Hơn 500 loài động vật trên cạn có khả năng biến mất trong vòng 20 năm

Theo một phân tích mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science, đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu động vật hoang dã trên trái đất đang gia tăng và có thể là điểm bùng phát khiến nền văn minh sụp đổ.

Tê giác Sumatra trên bờ vực tuyệt chủng với chỉ không đầy 1.000 cá thể còn lại. (Ảnh: Rhett Buttler/Mongabay/PA)

Phân tích rà soát dữ liệu về 29.400 loài động vật có xương sống trên cạn thuộc Sách đỏ IUCN và dữ liệu của BirdLife International, các nhà nghiên cứu xác định được 515 loài có quần thể dưới 1.000 cá thể và khoảng 1/2 trong số này còn lại chưa đầy 250 cá thể. Hầu hết các động vật có vú, chim, bò sát và lưỡng cư được khảo sát đều sống ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Hơn 500 loài động vật trên cạn đang trên bờ vực tuyệt chủng và có khả năng biến mất trong vòng 20 năm. Con số này tương đương với tổng số loài tuyệt chủng trong cả thế kỷ trước. Các nhà khoa học cho rằng nếu con người không hủy diệt thiên nhiên thì phải trải qua hàng ngàn năm mới đạt tới tình trạng mất mát loài như trên.

Các loài động vật có xương sống trên bờ vực tuyệt chủng thì chỉ còn ít hơn 1.000 cá thể, bao gồm tê giác Sumatra, chim sẻ Troglodytes tanneri, rùa khổng lồ Española và ếch Harlequin. Có 77 loài có sẵn dữ liệu lịch sử và những loài này hiện đã mất đi 94% quần thể.

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo về hiệu ứng domino: mất một loài cũng đẩy các loài phụ thuộc vào nó đến bờ vực. “Tuyệt chủng làm nảy sinh tuyệt chủng”, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng không giống như các vấn đề môi trường khác, tuyệt chủng là không thể đảo ngược.

Ếch Harlequin. (Ảnh: Gerardo Ceballos/University of Mexico/PA)

Loài người cần đa dạng sinh học để có sức khỏe và phúc lợi, đại dịch virus corona là một ví dụ cực đoan về sự nguy hiểm của nạn tàn phá thế giới tự nhiên. Dân số gia tăng, phá hủy sinh cảnh, buôn bán động vật hoang dã, ô nhiễm và khủng hoảng khí hậu đều phải được giải quyết khẩn cấp.

Giáo sư Paul Ehrlich thuộc Đại học Stanford và là thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Khi loài người tiêu diệt các sinh vật khác cũng có nghĩa là đang tự chặt đứt chân tay mình, phá hủy các bộ phận hoạt động trong hệ thống hỗ trợ sự sống của chúng ta. Bảo tồn các loài có nguy cấp cần được các chính phủ và các tổ chức nâng lên thành khẩn cấp toàn cầu, tương đương với tình trạng đứt gãy khí hậu”.

“Chúng ta đang đứng trước cơ hội cuối cùng để đảm bảo rằng nhiều dịch vụ thiên nhiên cung cấp cho chúng ta không bị phá hoại mà không thể bù đắp được”, Giáo sư Gerardo Ceballos thuộc Đại học Tự trị quốc gia Mexico, người phụ trách nghiên cứu nhấn mạnh.

Ví dụ điển hình của hiệu ứng tuyệt chủng dây chuyền là nạn săn bắn quá mức rái cá biển – loài chuyên săn và ăn cầu gai khiến cầu gai phát triển bùng nổ, đến lượt loài này lại ăn tảo bẹ và tàn phá các khu rừng tảo bẹ ở biển Bering khiến loài bò biển Steller chuyên ăn tảo bẹ bị tuyệt chủng.

Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn bằng cách làm nổi bật những loài và khu vực cần được chú ý khẩn cấp nhất.

Giáo sư Andy Purvis thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London ca ngợi: “Nghiên cứu này cung cấp một bằng chứng khác cho thấy cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học đang tăng. Vấn đề khó khăn nhất mà các nhà nghiên cứu gặp phải là chúng ta không biết nhiều về lịch sử phân bố địa lý của các loài. Họ chỉ có thông tin của 77 loài nguy cấp và chúng ta không biết những loài đó điển hình đến mức nào”.

Tuy nhiên, điều đó không làm kết luận kém đi. Cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học là có thật và cấp bách. Nhưng vẫn chưa quá muộn. Để chuyển sang một thế giới bền vững, chúng ta cần đặt những bước chân nhẹ nhàng hơn xuống hành tinh này. Cho đến lúc đó, về cơ bản, chúng ta đang cướp đi gia tài của những thế hệ tương lai”.

Rùa khổng lồ Española. (Ảnh: Gerardo Ceballos/University of Mexico/PA)

Giáo sư Georgina Mace thuộc Đại học College London khẳng định: “Phân tích này tái nhấn mạnh những con số đáng kinh ngạc về mức độ suy giảm quần thể các loài động vật có xương sống trên toàn thế giới”. Nhưng Giáo sư Georgina Mace không thấy thuyết phục với cách tính rằng chỉ cần có quần thể dưới 1.000 là thước đo tốt nhất tình trạng một loài đang trên bờ vực tuyệt chủng mà xu hướng suy giảm quần thể cũng rất quan trọng, và cả hai yếu tố này đều được sử dụng trong Sách đỏ IUCN.

“Hành động là rất quan trọng vì nhiều lý do, nhất là chúng ta trực tiếp và gián tiếp dựa vào phần còn lại của sự sống trên trái đất để có sức khỏe và phúc lợi của chính mình. Phá hủy thiên nhiên dẫn đến các hiệu ứng buộc chúng ta phải trả giá đắt và thường khó đảo ngược. Covid-19 là một ví dụ hiển hiện nhưng còn nhiều ví dụ khác nữa”.

Mark Wright, Giám đốc khoa học thuộc WWF cho biết: “Những con số trong nghiên cứu thật sự gây sốc. Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng. Nếu ngăn chặn được nạn chiếm đất và phá rừng nghiêm trọng ở các quốc gia như Brazil, chúng ta có thể bắt đầu hạ đỉnh mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Nhưng chúng ta cần tham vọng toàn cầu để làm được điều đó”.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: