Hơn tám năm qua, tỉnh Hậu Giang vẫn chưa thể di dời được các hộ dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Khu bảo tồn) ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp. Vì thế, chuyện bức xúc vấn đề dân sinh, cũng như công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây vẫn còn tiếp diễn…
Cuộc sống “bốn không”
Giữa cái nắng chói chang của những ngày đầu tháng 4, trên chiếc vỏ lãi (tắc rán), anh Toàn, cán bộ Khu bảo tồn chở chúng tôi xuyên qua các tuyến kênh thủy lợi nội đồng đã gần cạn nước để vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn. Phải mất hơn 30 phút mới đến nơi, mồ hôi vã khắp người, anh Toàn cho biết: “Nơi đây hiện có 120 hộ dân, với 564 nhân khẩu đang sinh sống, tổng diện tích nhận khoán đất rừng của khu hơn 68 ha. Ðiều kiện sống, sinh hoạt của người dân lâu nay rất khó khăn, hầu hết cất nhà bằng cây lá và chỉ mới có điện gần một năm nay thôi, còn lại là “bốn không”: không đường, không trường, không trạm, không nước sạch”.
Ghé thăm nhà ông Ðặng Hoàng Tuấn, một trong những hộ dân sống xen kẽ trong khu rừng này, ông nói: “Lại chuyện mời họp bàn di dời nữa hả cán bộ?”. Rồi ông chỉ tay vào căn nhà lá rộng khoảng 30 m2 của mình, bức xúc, nói tiếp: “Bảy, tám năm nay rồi, cứ thông báo di dời hoài, nhà cửa thì xập xệ thế này không dám cất, sửa sang, sản xuất thì cầm chừng, không dám đầu tư gì cả”. Năm 1989, gia đình ông Tuấn về đây cất nhà sinh sống và được nhận khoán tám công đất rừng để sản xuất. Lúc đầu làm lúa, sau đó trồng mía, rồi bây giờ chuyển sang trồng cam sành, cuộc sống cũng tạm ổn. Còn gia đình ông Nguyễn Văn Ðàng về đây cất nhà sinh sống và được nhận khoán 3.600 m2 đất rừng để sản xuất từ năm 1986. Lúc đầu làm lúa, sau đó trồng mía, rồi bây giờ chuyển sang trồng chuối, sống đắp đổi qua ngày. Ông Ðàng cho biết: “Với bảy đứa con, vợ chồng tôi phải làm lụng vất vả, từ làm nông đến săn bắt, hái lượm mới lo nổi. Cũng may có rừng cưu mang đến ngày hôm nay”.
Nhiều hộ dân ở đây cho biết, tuy cũng có cái ăn, cái mặc, nhưng chất lượng cuộc sống không bằng ai, khi phải sống trong điều kiện không có đường giao thông, chỉ đi lại bằng ghe, xuồng, rất nguy hiểm cho trẻ em và người già, nhất là vào mùa nước nổi. Còn nước sinh hoạt chủ yếu lấy từ nguồn ở trên các kênh, mương sẵn có. Hơn nữa, vì ở lọt thỏm trong khu rừng, không có trạm xá, nên những khi ốm đau, người dân ở đây phải mất cả chục cây số vừa đường sông vừa đường bộ để ra bệnh viện ở thị trấn Cây Dương (huyện Phụng Hiệp).
Ðáng buồn nhất có lẽ là chuyện học hành của các em nhỏ sống ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt này, vì chúng ít có điều kiện đến trường. Một phần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, một phần vì nhà xa trường (khoảng 4 km), đường sá lại không thuận tiện, phải bỏ học giữa chừng, hoặc đến lớp trễ. Ông Tuấn cho biết thêm: “Tôi có ba đứa con, nhưng học tới lớp bốn, lớp năm là nghỉ hết rồi. Bây giờ tới đời cháu nội đang học lớp bốn, tôi vẫn hằng ngày đưa đón cháu bằng xuồng máy. Bao năm sống trong rừng rồi, bây giờ mong sớm được di dời ra nơi có điều kiện sinh hoạt tốt hơn”.
Hệ lụy từ những hợp đồng nhận khoán
Giám đốc Khu bảo tồn Lư Xuân Hội cho biết, ngoài vấn đề cuộc sống, người dân ở phân khu chịu nhiều thiệt thòi, thì công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây cũng gặp không ít khó khăn. Bởi người dân sản xuất lúa xen lẫn đất rừng, vào mùa khô đốt đồng dễ xảy ra cháy rừng. Hơn nữa, do làm nông trong điều kiện khó khăn, mất mùa, thu nhập thấp, nên thường xuyên xảy ra tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Mặt khác, do đời sống khó khăn, nhiều người thường vào rừng đốn sậy, đánh bắt thủy sản, săn bắt động vật hoang dã, đốt ong lấy mật… càng làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng, nhất là vào mùa khô. Tất cả hệ lụy này đều xuất phát từ những hợp đồng khoán đất trước đây.
Năm 1976, Khu bảo tồn được thành lập với tên gọi là Nông trường Phương Ninh, đến năm 1984 đổi thành Lâm trường Phương Ninh. Từ năm 1976 đến 1990, nhiều hộ dân ở Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long… vì cuộc sống khó khăn nên đến đây xin được nhận khoán đất để sản xuất, chủ yếu là trồng lúa, mía. Việc khoán đất canh tác vừa để tạo sinh kế, ổn định cuộc sống cho người dân, vừa bảo đảm tình hình an ninh trật tự. Ðến ngày 14-1-2002, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng. Khu này có tổng diện tích hơn 2.800 ha, được chia ra ba phân khu chức năng, trong đó, 120 hộ dân nhận khoán đất nêu trên ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. “Ðúng ra thời điểm thành lập Khu bảo tồn, các hộ dân này phải di dời khỏi khu bảo vệ nghiêm ngặt, vì hợp đồng nhận khoán đất cũng đã hết hạn. Nhưng thực tế họ sẽ đi đâu, sống ra sao, nên khu bảo tồn tiếp tục cho gia hạn hợp đồng nhận khoán đất theo từng năm cho đến nay”- ông Hội cho biết.
Trước bức xúc vấn đề dân sinh, cũng như công tác quản lý, bảo vệ rừng, năm 2011, tỉnh Hậu Giang đã có chủ trương di dời 120 hộ ra khỏi phân khu nghiêm ngặt. Theo đó, tiến hành quy hoạch, xây dựng khu tái định cư ở khoảnh 100 thuộc phân khu hành chính dịch vụ của Khu bảo tồn, với diện tích là 5,4 ha. Ðồng thời, để bảo đảm sinh kế cho người dân, tỉnh xin chủ trương của Trung ương cho chuyển hơn 49 ha đất rừng ở phân khu hành chính dịch vụ sang đất sản xuất để hoán đổi, giao khoán đất cho các hộ dân sản xuất khi thực hiện di dời.
Giám đốc Khu bảo tồn Lư Xuân Hội cho biết: Ðến cuối năm 2018, khu tái định cư này đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, điện, nước. Thực hiện trình tự các thủ tục xin chuyển hơn 49 ha đất rừng sang đất sản xuất đúng theo quy định cũng đã được Chính phủ đồng ý bằng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 26-6-2018. Trên cơ sở đó, ngày 16-7-2019, UBND tỉnh Hậu Giang có Quyết định số 1108/QÐ-UBND về việc cho phép Khu bảo tồn chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án “Ðổi đất sản xuất, di dời dân cư từ khu bảo vệ nghiêm ngặt ra khu sản xuất”.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có vốn để hỗ trợ thiệt hại hoa màu, vật kiến trúc cho người dân khi di dời. Qua khảo sát, khái toán ban đầu của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Phụng Hiệp, phải cần khoảng 40 tỷ đồng để hỗ trợ thiệt hại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết: “Do ngân sách tỉnh khó khăn, không có nguồn, tỉnh đã có văn bản xin Trung ương hỗ trợ khoản kinh phí này từ chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng đến nay chưa được trả lời. Do vậy, dự kiến tỉnh sẽ đưa nguồn vốn này vào kế hoạch đầu tư công trong năm 2021”.
Ðể người dân có cuộc sống tốt hơn, đồng thời góp phần bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo tồn lâu dài và phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học của Khu bảo tồn, thiết nghĩ cần sớm di dời dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Lung Ngọc Hoàng.