Lần đầu tiên một cá thể rùa mái nhà cái bị cô lập sống ở thượng nguồn sông Chindwin đẻ được 19 quả trứng, trong đó có 14 trứng đã nở vào thượng tuần tháng 5.
Tin vui này vừa được các nhà bảo tồn thuộc WCS và Liên minh sinh tồn rùa (TSA) ở Myanmar chia sẻ và đây là điều vô cùng đặc biệt bởi cá thể rùa này chưa bao giờ được biết đến là có thể đẻ trứng.
Rùa mái nhà Myanmar (Batagur trivittata) được coi là một trong những loài rùa nguy cấp nhất thế giới với chưa đầy 5 cá thể cái có thể sinh sản (số lượng cá thể đực chưa biết) còn lại trong tự nhiên.
Giới bảo tồn cho rằng thay đổi này là từ việc thả một nhóm gồm 20 cá thể đực ra sông vào cuối năm 2018. Những con non trên sông Chindwin này có giá trị di truyền không thể đo đếm được và sẽ được đưa vào chương trình nhân giống nuôi nhốt để ngăn đà suy giảm di truyền lâu dài của quần thể thông qua giao phối cận huyết.
Từng hiện diện ở nhiều con sông lớn, rùa mái nhà Myanmar gần như sa vào cảnh tuyệt chủng do bị lấy trứng vô độ hoặc vô tình bị mắc vào ngư cụ hoặc bị phá hủy sinh cảnh làm tổ ở các bãi cát quan trọng cũng như ảnh hưởng từ các hoạt động nạo vét lòng sông để tìm vàng. Cuối những năm 1990, loài rùa này bị cho là tuyệt chủng cho đến khi 2 quần thể nhỏ (một trong số đó đã tuyệt chủng) được “tái phát hiện” vào đầu những năm 2000.
Cục Lâm nghiệp Myanmar phối hợp với Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã và Liên minh sinh tồn rùa đưa ra một chương trình bảo tồn tích cực vào năm 2007 và hiện đã kéo rùa mái nhà Myanmar khỏi bờ vực tuyệt chủng.
Vào tháng 2 và tháng 3 hàng năm, trứng của một vài cá thể cái hoang dã còn lại được thu thập từ các bãi cát dọc theo sông Chindwin ở miền bắc Myanmar và được ấp tại một ngôi làng ven sông hẻo lánh cho đến khi nở vào tháng 5 và tháng 6, con non được nuôi nhốt trong 5-6 năm trước khi thả lại sông. Các nhóm nhân nuôi cũng được thành lập tại một số vườn thú và khu bảo tồn động vật hoang dã ở Myanmar để có thêm rùa con tái thả tự nhiên.
Nhật Anh (Theo WCS)