Ngày 1/6, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric cảnh báo các ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ Latinh và Caribe đã vượt quá con số ghi nhận hàng ngày tại Mỹ và châu Âu, trở thành tâm điểm mới của đại dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi hỗ trợ khu vực này trong công cuộc đối phó với dịch bệnh.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, phát biểu tại buổi họp báo, ông Dujarric khẳng định LHQ sẵn sàng hỗ trợ các chính phủ và người dân khu vực thông qua các cơ quan, quỹ và chương trình khác nhau, bao gồm việc phát triển các kế hoạch ứng phó đại dịch cấp quốc gia.
Ngoài ra, LHQ cũng sẽ hỗ trợ tư vấn công tác đối phó dịch bệnh cho các nhà chức trách quốc gia, bao gồm cả việc gửi các nhóm chuyên viên trực tiếp tới hỗ trợ tại các nước. Ông Dujarric nêu rõ, Venezuela, Colombia, Haiti và Guatemala nằm trong số các nước cần được tiếp nhận hỗ trợ trong các lĩnh vực như vệ sinh dịch tễ, cung cấp nước và lương thực…
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng kêu gọi sự hỗ trợ đặc biệt cho khu vực Mỹ Latinh trong bối cảnh 4 quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 hàng ngày nhiều nhất thế giới hiện nay đều rơi vào khu vực này gồm Brazil, Peru, Chile và Mexico.
Giám đốc điều hành về Khẩn cấp Y tế của WHO, Mike Rayan nhấn mạnh cần tập trung hỗ trợ cho Nam Mỹ và Trung Mỹ trong việc đối phó dịch bệnh, bởi không nơi nào trên thế giới sẽ được an toàn cho đến khi tất cả các khu vực được an toàn. Quan chức WHO cũng nêu rõ mặc dù các con số không tăng theo cấp số nhân, song vẫn có sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm bệnh tại Argentina, Colombia và Bolivia, đồng thời bảy tỏ quan ngại đặc biệt đối với tình hình tại các nước có hệ thống y tế yếu kém như Haiti. Bên cạnh đó, bối cảnh xã hội phức tạp còn làm nghiêm trong hơn tình trạng khẩn cấp y tế tại các nước Mỹ Latinh, điển hình như tình trạng nghèo đói tại phần lớn các nước trong khu vực.
Theo các con số thống kê y tế quốc gia, Mỹ Latinh đã ghi nhận các ca nhiễm vượt quá 1 triệu người, chiếm 1/6 tổng số ca bệnh trên thế giới, trong đó 50% số người mắc COVID-19 của khu vực tập trung tại Brazil, quốc gia xếp thứ 2 thế giới sau Mỹ về số ca bệnh với hơn 500.000 người nhiễm SARS-CoV-2 và gần 30.000 người tử vong.