Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Đắk Lắk sẽ kiện toàn lại nhân sự chủ chốt ở BQL khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô để giải quyết dứt điểm nạn lâm tặc hoành hành ở vùng này. Sở này cũng xem xét việc truy cứu trách nhiệm của chủ rừng khi để rừng liên tục ‘’chảy máu’’ trong suốt thời gian dài…
Theo BQL khu BTTN Ea Sô, từ năm 2017 đến 2019, Hạt kiểm lâm khu bảo tồn đã phát hiện và xử lý 78 vụ, bắt 96 đối tượng… thu nộp ngân sách gần 300 triệu đồng. Các đối tượng lâm tặc chủ yếu lợi dụng việc công ty MDF Vinafor Gia Lai đang khai thác rừng trồng, trà trộn với nhân công và đóng lán trại tại đây để xâm nhập vào khu bảo tồn cắt gỗ. Tiếp đó, chúng dùng xe máy độ chế để vận chuyển, tập kết tại khu vực rừng trồng của doanh nghiệp kể trên.
Nếu nhìn lướt qua con số thống kê kể trên của BQL khu BTTN Ea Sô, có thể thấy đơn vị này đã ráo riết truy quét lâm tặc. Và việc rừng bị tàn phá trong suốt thời gian dài là do thiếu sót của doanh nghiệp. Tuy vậy, không thể đổ hết lỗi cho doanh nghiệp, một khi rừng bị tàn phá thì chủ rừng phải là người đầu tiên ‘’đứng mũi chịu chịu sào’’, nhận trách nhiệm.
‘’Cách đây khoảng 10 năm, khi tôi ngồi vào ghế Chủ tịch UBND huyện thì đã nghe chuyện lâm tặc hoành hành ở khu BTTN Ea Sô. Công an, Kiểm lâm huyện những năm qua bắt giữ quá nhiều lâm tặc, gỗ lậu tập kết thu được nhiều không đếm xuể. Chúng phá rừng ở bên Đắk Lắk rồi mới đem qua địa phương tập kết, chuyển đi tiêu thụ’’ – ông Tô Văn Chánh – Chủ tịch UBND huyện Krông Pa (Gia Lai) – cho hay.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Đắk Lắk cũng xác nhận rằng, một số lán trại canh phòng mà BQL rừng lập ra ở một số khu vực hết sức sơ xài, chắp vá còn kiểm lâm thì thiếu nghiêm trọng dụng cụ bảo hộ, tự vệ.
Gần 1 thập kỷ qua, số lượt lâm tặc vận chuyển trót lọt và tiền chúng thu được từ việc bán gỗ lậu chẳng thể có một đơn vị nào đong đếm nổi. Tại một số tiểu khu trong khu bảo tồn, lâm tặc thản nhiên ‘’xẻ thịt’’ các cây gỗ quý để lại một hiện trường tan hoang…
Qua đó, có thể nhận định, những thống kê kể trên chỉ là ‘’bề nổi của một tảng băng chìm’’.
Khi phóng viên đặt ra câu hỏi, có thể nào đo đạc, thống kê chi tiết lại diện tích rừng đã mất ở khu bảo tồn này trong suốt những năm vừa qua, ông Kiều Thanh Hà – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Đắk Lắk – phản hồi: ‘’Công việc này rất khó thực hiện, bởi trên một diện tích rừng lên đến hơn 26.000ha, một khi tiến hành sẽ phải điều động nhiều nhân sự, tốn kém tiền của, thời gian’’.
Trước đó, Báo Lao Động có bài ‘’Truy quét lâm tặc phá rừng khu bảo tồn Ea Sô’’, nêu rõ thực trạng hiện nay ở khu vực kể trên và đề cập đến việc phải nhanh chóng kiện toàn lại nhân sự chủ chốt tại BQL khu BTTN Ea Sô nhằm hướng đến việc giải quyết dứt điểm vấn nạn phá rừng.
Hiện ông Lê Đắc Ý đang là Giám đốc kiêm nhiệm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm khu BTTN Ea Sô (thuộc Sở NNPTNT Đắk Lắk). Vị này đã đảm nhiệm những chức vụ kể trên được gần 2 nhiệm kỳ. Trong thời gian ông này nắm quyền, khu BTTN Ea Sô nổi lên là một trong những điểm nóng phá rừng của Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Lắk – cho biết: ‘’Trong thời gian sắp đến, chúng tôi sẽ điều chuyển ông Lê Đắc Ý về nhận nhiệm vụ ở đơn vị khác. Bên cạnh đó, sẽ cắt cử người có chuyên môn, nghiệp vụ trong vấn đề quản lý, bảo vệ rừng về thay ông Ý để giải quyết dứt điểm nạn lâm tặc hoành hành ở khu vực này’’.
Đối với việc có truy cứu trách nhiệm của ông Ý khi để mất rừng trong một thời gian dài hay không thì phải xét trên nhiều khía cạnh khác nhau. Bởi, khu BTTN Ea Sô nằm giữa ngã ba các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên nên việc quản lý, bảo vệ vùng này sẽ khá khó khăn, vất vả và khác với đặc thù những nơi khác. Tuy vậy, sở sẽ đề nghị ông Ý viết bản giải trình chi tiết và tham khảo ý kiến của các bên liên quan nhằm đưa ra hình thức xử lý thỏa đáng, đúng người đúng tội – ông Dương thông tin.