Sâu Tàu là cách mà dân gọi tắt loại thuốc lậu của Trung Quốc. Lúc mới phun, chúng cho hiệu quả không ngờ mà giờ thì đánh hôm qua, nay sâu vẫn còn lúc nhúc…
Đánh thuốc hôm qua mà nay sâu vẫn còn
Chúng tôi sang xã Tráng Việt – một vùng chuyên canh rau có tiếng của huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Trưa hè nắng chang chang. Những ruộng rau bạc trắng phản quang lấp loáng vì lá đều bị sâu tơ bào mỏng tang như tờ giấy. Những khuôn mặt nông dân bạc đi, nhợt nhạt vì lo lắng.
Nhiều ruộng bị dính sâu nặng bà con bỏ không thèm chăm bón, bơm nước, phun thuốc, trông khô như rơm, cảm tưởng chỉ một mồi lửa là cả cánh đồng bốc cháy.
Trời dần ngả về chiều. Từng đoàn xe máy rồ ga trên con đường bê tông chạy ngang dọc ngoài bãi như ô bàn cờ. Đằng sau mỗi xe đều buộc tòng teng một cái máy bơm hoặc một bình phun thuốc to đùng.
Tất cả đều đang hướng về những thửa ruộng vẫn còn sót lại chút màu xanh trên cả cánh đồng bạc trắng ấy.
Cắm máy bơm vào đường ống, đóng điện cái là những trận mưa rào từ các vòi phun sẽ tự động ập xuống các luống rau. Cũng chỉ cần giật máy phun cái là các trận mưa khác, nhỏ hơn từ bình thuốc sẽ trùm phủ xuống.
Thôn Đông Cao là vùng trồng rau tập trung nhất của xã có diện tích gieo trồng vào khoảng trên dưới 200 ha trong đó có hơn 100 ha được Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 10 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Vùng đất bãi vô cùng màu mỡ này có thể cung cấp một sản lượng rau khổng lồ cỡ 25.000-30.000 tấn cho Thủ đô và các tỉnh, thành lân cận với đủ các chủng loại như củ cải, cải ngồng, dưa lê, dưa chuột…
Không phải là tất cả nông dân nhưng số dùng thuốc sâu “Tàu” cũng không bao giờ là của hiếm ở đây. Mùa này, họ tập trung nhất là đánh sâu tơ.
Anh Oanh người xóm 2 vạch đám lá rau bị cắn lỗ chỗ, kiểm tra bên dưới, bắt lên một lúc 3-4 con sâu tơ nhỏ cỡ que tăm bỏ lên tay, mặt nhăn lại bảo: “Tôi mới đánh hôm qua mà vẫn còn sâu thế này chẳng biết thuốc kiểu gì nữa. Ra Tết có trận mưa đá, sâu bọ chết hết, dân chúng tôi đã mừng nhưng không ngờ bây giờ bị dính sâu tơ nhiều chưa từng có thế này. Nếu tình trạng như hiện tại chi phí tầm 4 triệu/sào sợ không đủ, hơn cả gấp đôi so với bình thường”.
Nói rồi anh tính cụ thể: tiền phay đất, giống, phân gà, bơm nước (nắng ngày nào cũng phải tưới) nhưng thuốc vẫn là nhiều hơn cả bởi cứ 3-4 ngày đánh một lần.
Đánh 1 loại không chết, đánh 2 loại không chết, đánh 3 loại không chết mà phải nồng độ đậm đặc gấp nhiều lần bao gồm gần 100cc thuốc sâu Tàu, 2 gói Nhật Bản (thuốc Tàu nhưng bà con thấy có ghi chữ made in Japan nên tưởng là thuốc Nhật), 2 gói “cóc”, 1 gói thuốc sát trùng (chỉ dùng phun cho lúa vì độ độc cao, thời gian phân hủy lâu)… Bốn, năm loại như thế phối vào nhau khiến cho một bình 25 lít đội giá phải từ 120.000đ trở lên.
Một sào thông thường phải phun 2 bình. Đôi khi anh vẫn còn phải đánh cả thêm thuốc “Xẹc Ba” và “Ri Gân” nữa để phòng bị nhạy, củ cải sẽ không lành lặn và đẹp mã, sáng màu nữa, rất khó bán.
“Thuốc “Tàu” từ hồi lén lút về, khắp vùng này đều dùng hết chứ không riêng làng này. Mới đầu tôi dùng chỉ 1 ống sâu “Tàu” (20cc) đã sạch nhưng giờ sau 2-3 năm sử dụng phải tăng liều lên gấp nhiều lần.
Riêng về củ cải phun thuốc thế này chắc cũng không độc hại lắm vì người ta nghiên cứu, nói rằng bên trong nó có chất cay, hơn nữa 10 ngày hay nửa tháng trước khi thu hoạch bọn tôi bỏ thuốc sẽ không còn dư lượng gì nữa”. Anh Oanh hồn nhiên.
Hiện tại giá củ cải bán tại ruộng hạ xuống chỉ còn 3.000đ/kg trong khi đó đầu tư 4 triệu/sào riêng thuốc sâu từ 2 triệu trở lên, nếu chăm tốt may ra bán được 3 triệu/sào. Với 1,2 mẫu củ cải, anh nhẩm tính tổng lỗ cỡ 15 triệu, thế nhưng đó còn là hạnh phúc chán so với nhiều nhà còn mất trắng vì mất mùa.
“Thuốc nào cứ giá rẻ mà chết sâu là dân dùng thôi. Đánh thuốc kiểu cộng này không thể rập khuôn được mà mỗi người “chế biến” một kiểu.
Anh Chanh cũng cùng xóm 2 cho biết mình thường pha 2 gói thuốc nội với 40cc thuốc sâu “Tàu” bởi giá rau đang hạ, nếu không sẽ còn đánh cộng thêm cả thuốc nấm “Tàu” nữa: “Người nào đi trước đánh thuốc chết sâu mạnh là người đi sau học theo thôi. Thỉnh thoảng phía hợp tác xã cũng hướng dẫn, quảng bá, cấp thuốc sinh học nhưng chúng tôi cũng ít dùng. Một khi đã có bảo hộ đầy đủ thì đánh thuốc hóa học cũng chẳng lo gì độc hại cả”.
Anh Tới người xóm 1 trông như bộ đội phòng hóa với quần áo rằn ri, mặt nạ phòng độc, lặc lè bình thuốc trên vai tiến lui nhịp nhàng theo từng ô, từng luống.
Chiếc bình 25 lít được anh pha theo công thức 2 lọ sâu “Tàu”, mỗi lọ 20 cc, 2 gói E vua, tính tổng cộng cỡ 80.000đ. Một sào phun 2 bình: “Một lứa rau thông thường cứ 3 ngày phun 1 lần, nếu nhiều sâu tơ như này thì tôi 2 ngày phun 1 lần. Phun hôm trước, hôm sau vẫn còn.
Đánh quá liều, cộng đủ thứ
Trên chai thuốc sâu “Tàu” toàn chữ Hán nên không ai đọc được hướng dẫn. Chúng tôi có nhờ người giỏi tiếng dịch thì chúng cũng không hề ghi phải cách ly bao lâu sau khi phun.
Do chúng là thuốc lậu, không mấy ai biết hoạt chất bên trong là gì, dung môi ra sao. Khi test dư lượng thuốc BVTV cũng chỉ có thể test một số hoạt chất trong danh mục, những chất không nằm trong diện kiểm tra thì không có chất thử và không thể phát hiện được.
Ngoại trừ người quen và gặp trực tiếp, hỏi tình cờ về thuốc “Tàu” thì đại lý, nông dân mới chia sẻ, nếu lên kế hoạch trước hoặc qua điện thoại chắc chắn nông dân sẽ không chia sẻ hết vì họ cũng biết rằng việc buôn bán, sử dụng thuốc lậu là sai luật, là độc hại.
Bởi vậy, chúng tôi đã sắp xếp những cuộc trao đổi ở nhiều địa điểm từ cửa hàng bán thuốc, trên đường ra đồng hay trên ruộng một cách tình cờ nhất có thể. Hầu hết nông dân đều ý kiến rằng mặc dù biết thuốc rất độc hại nhưng do giá khá rẻ, đánh hiệu quả trừ sâu bệnh cao nên vì lợi ích trước mắt vẫn cứ phải dùng…
Đại lý C ở xã Tráng Việt tuy chỉ là cấp hai thôi nhưng mỗi năm bán hơn 10 tỉ tiền thuốc kể ra cũng thuộc vào hàng có “số má” trong giới. Không hề nghi ngờ gì chúng tôi khi đi cùng mấy người quen nên câu chuyện với C sớm trở nên thân tình: “Chưa bao giờ tôi thấy sâu tơ bùng phát như hiện nay các anh ạ!
Trước đây chỉ đánh cỡ 50.000đ/bình là hiệu quả, giờ đánh thuốc “Tàu” 2 chai (26.000đ) cộng thuốc quả cà chua (do có hình quả cà chua, giá 33.000đ) cùng 3 gói thuốc dòng E vua (24.000đ) các loại. Giá mỗi bình 25 lít lên tới cả trăm ngàn, thậm chí chẳng ai cộng đến 150.000đ nhưng có một nhà đã làm như vậy cũng không lại được vì sâu đã kháng thuốc”.
Những thứ “cộng” độc hại như vậy nằm ngoài tính toán của mọi nhà sản xuất thuốc, phần do đại lý bày cho, phần do người dân tự mày mò thử nghiệm.
Dân mua chịu thuốc BVTV thường hay bị đại lý lái theo hướng mua những loại thuốc mình bán có lãi nhiều chứ không quan tâm đến công hiệu thực sự cũng như độ an toàn của chúng. |
Nhà C ngoài bán thuốc sâu cũng trồng cả rau bán nên hiểu rõ tình hình hơn ai hết: “Nếu so với khuyến cáo của nhà sản xuất thì cộng kiểu này gấp vài chục lần thậm chí hàng trăm lần cho phép. Như 1 gói “phíp” (Fipronil) 1 gram pha cho 15 lít nước mà dân đánh 5 gói cộng thêm 1 gói quả cà chua, 2 lọ sâu “Tàu”, chưa kể các loại khác nữa. Những loại thuốc này em ở trong cốp xe ga ở nhà chứ không sẽ đưa cho các anh xem ngay”.
Cũng theo C tâm sự thật: “Các cô, các chú em giờ sợ đánh thuốc “Tàu” lắm rồi vì độc nhưng toàn dân vẫn khoảng 80% dùng. Trước đây em bán hàng thuốc nội mạnh lắm nhưng kể từ khi thuốc “Tàu” về hàng nội bị đánh dạt hết, chỉ còn ADC, Syngenta, Việt Thắng bán được một ít thôi”.
Nhóm phóng viên điều tra