Gần đây, loài san hô nhánh Acropora bị khai thác trái phép tại vịnh Nha Trang, trong đó một phần để bán cho người chơi hồ cá cảnh.
Mới đây, tài khoản Phương Nhum (phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đăng tải hình ảnh một số người cạy san hô sống tại khu vực gần bờ Hòn Chồng, Nha Trang.
Lợi dụng thời điểm nước ròng thấp nhất trong tháng, những người này tự ý xuống biển khai thác san hô trái phép.
Nguyễn Minh Tâm (phường Vĩnh Phước, Nha Trang), một người sành chơi cá biển, cho biết san hô giúp bể cá trở nên sinh động và đẹp mắt hơn nên nhu cầu mua rất lớn.
“Nhiều loại san hô như san hô bắp cải, quỳ biển, san hô mềm năm ngón được nuôi cấy nhân tạo. Những loại này sinh trưởng nhanh và dễ nuôi trồng, trong khi việc khai thác các loài sinh vật đại dương là trái phép”, anh Tâm nói.
Trong khi đó, tài khoản Nguyễn Thanh Thuận (sinh sống tại Nha Trang) nhận định những người này lấy san hô để trang trí bể cá hoặc bán lại kiếm lời.
Theo đó, san hô bị khai thác trái phép tại vịnh Nha Trang là loài san hô nhánh Acropora, khá phổ biến trong giới chơi san hô và được nhiều người săn lùng. Loài san hô này sinh trưởng chậm, khó nuôi trồng nên giá cũng cao hơn. Một nhánh dài 7 cm giá có thể lên tới 1,5 triệu đồng.
Ông Trần Trí, chủ một trang trại nuôi san hô lớn tại TP.HCM cho biết, có hai trường hợp xảy ra đối với những người tự ý lấy san hô tại Nha Trang.
Thứ nhất, nếu là người chơi san hô chuyên nghiệp sẽ đem tách nhánh và nuôi trồng để sau đó bán với giá cao. Còn người không có chuyên môn sẽ đem phơi khô, bán để làm khung layout trong bể cá với giá vài trăm nghìn đồng/kg.
“Một bể cá biển có thể tốn từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng. Vì người mua dám chi mạnh tay nên nạn khai thác sinh vật biển trái phép vẫn đang diễn ra”, ông Trí nói.
Trao đổi với Zing, đại diện Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết, những người vi phạm đã được yêu cầu hoàn trả san hô và thực hiện ký biên bản vi phạm. Trong thời gian tới, ban quản lý sẽ tăng cường lực lượng tuyên truyền, đảm bảo công tác cứu hộ và bảo vệ để tránh tình trạng tương tự xảy ra.
Ban quản lý vịnh Nha Trang cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện trường hợp xâm hại tài nguyên biển. Việc cắm bảng thông báo, tuyên truyền về bảo vệ biển cũng như chế tài xử phạt đang được UBND TP Nha Trang xem xét thực hiện.
Bãi biển Hòn Chồng là một trong số ít những khu vực có rạn san hô gần bờ, nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển. Mọi hành vi khai thác, vận chuyển san hô sống hay chết đều vi phạm pháp luật.