Khu Bảo tồn (KBT) thiên nhiên Pù Hu nằm trên địa bàn huyện Quan Hóa và Mường Lát có tổng diện tích trên 27.052 ha và là KBT có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao. Theo kết quả điều tra, hiện trong KBT có 2.640 loài động thực vật (ĐTV), trong đó có 52 loài thực vật, 51 loài động vật quý, hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng các loài ĐTV xâm lấn đã đe dọa đến ĐDSH ở KBT.
Theo khảo sát sơ bộ trên diện tích KBT thiên nhiên Pù Hu và một số bản vùng đệm KBT hiện có trên 50 ha các loài cây xâm lấn như: cỏ lào, trinh nữ móc, bèo tây, lược vàng; trong đó, diện tích cỏ lào và trinh nữ móc chiếm trên 30 ha, nằm tập trung trong KBT. Đây là những loài thực vật xâm lấn có nguồn gốc từ nơi khác du nhập vào. Chúng có khả năng phát triển nhanh, làm mất khả năng gieo giống, tái sinh tự nhiên của các loài cây bản địa và cạnh tranh với các loài thực vật quý hiếm, gây mất cân bằng hệ sinh thái. Tại các vùng sinh thái này, tầng cây bụi và cây tái sinh bị kìm hãm, phát triển còi cọc, khả năng tái sinh kém, về lâu dài có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến ĐDSH của KBT. Việc thực hiện dự án trên giúp KBT có các giải pháp để ngăn chặn, kiểm soát, diệt trừ có hiệu quả các loài ngoại lai, bảo tồn được các loài động, thực vật quý hiếm có trong KBT.
Từ thực tế trên, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh, KBT thiên nhiên Pù Hu đã triển khai Dự án “Ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái ĐDSH bởi các loài ĐTV xâm lấn tại KBT thiên nhiên Pù Hu giai đoạn 2015-2019”. Thực hiện dự án, KBT đã điều tra thực địa xác định hiện trạng phân bố loài ngoại lai xâm hại; điều tra về ĐTV xâm lấn tại 53 bản vùng đệm và đã xác định được 3 mối nguy cơ đe dọa của loài ngoại lai đối với cộng đồng là lấn chiếm đất, làm nghèo đất và hại cây trồng.
Qua điều tra phát hiện được 11 loài ĐTV ngoại lai gây hại tại cộng đồng, trong đó có 4 loài ngoại lai xâm hại (NLXH), 7 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, trong đó nhóm tác hại chính cho cộng đồng là ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, bèo tây. KBT đã xây dựng bộ tiêu chí kỹ thuật về ngăn chặn sự xâm lấn của 3 loài NLXH, hoặc các vùng sinh thái khác có điều kiện lập địa tương đồng.
Đối với cỏ lào, trinh nữ móc sử dụng biện pháp thủ công dùng sức người, các dụng cụ thô sơ để diệt trừ thường xuyên, liên tục, phun thuốc Glyphosate amoninum vào tán cây khi đang sinh trưởng mạnh ở những nơi có điều kiện đảm bảo sức khỏe và môi trường. Đối với ốc bươu vàng, áp dụng biện pháp thủ công bắt thu gom ốc, trứng bằng tay và thả vịt, ngan theo suối, khu vực có trứng và ốc bươu vàng.
Ngoài ra, KBT tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật về loài NLXH cho cộng đồng dân cư vùng đệm; tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về đánh giá nguy cơ xâm hại, nhận dạng, kiểm soát và diệt trừ các loài NLXH; khuyến khích xã hội hóa các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát loài sinh vật xâm hại.
Bên cạnh đó, KBT tiếp tục nhân rộng mô hình phục hồi hệ sinh thái bằng các loài cây bản địa nhằm ngăn chặn sự xâm lấn của các loài ngoại lai; lập bản đồ hiện trạng phân bố các loài NLXH khác ở KBT, đặc biệt là ở những nơi có mức độ ĐDSH cao…
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc KBT thiên nhiên Pù Hu, cho biết: Sau 3 năm thực hiện Dự án “Ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái ĐDSH bởi các loài ĐTV xâm lấn tại KBT thiên nhiên Pù Hu” đã góp phần ngăn chặn và kiểm soát các loài NLXH, bảo tồn được tính ĐDSH của rừng đặc dụng. Qua đó, giữ gìn nguyên vẹn các chức năng sinh thái của rừng, bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu tác hại của loài NLXH; giảm thiểu tác hại đối với mùa màng của người dân khu vực vùng đệm trong KBT.