Nạn hạn hán trầm trọng nhất trong 60 năm được cho là có liên quan đến những con đập của trung quốc trên dòng Mê Kông.
Cuộc điều tra nguyên nhân gây ra hạn hán trầm trọng nhất trong vòng 60 năm qua trên lưu vực sông Mê Kông đang bước vào giai đoạn gay gắt khi liên tiếp nhiều báo cáo, nghiên cứu và số liệu vệ tinh chỉ ra Trung Quốc đang kiểm soát thô bạo trên thượng nguồn dòng huyết mạch này của Đông Nam Á. Đáp lại những lời cáo buộc, Trung Quốc chỉ đưa ra những lập luận thiếu cơ sở, kèm theo đó là những lời hứa hợp tác vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.
Với chiều dài trên 4.500km, Mê Kông là nguồn sống và nước tưới cho hơn 60 triệu dân của các quốc gia hạ nguồn như Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Nhưng từ khi các công trình thủy điện lớn của Trung Quốc đi vào hoạt động từ năm 2012, hạn hán diễn ra thường xuyên và ngày càng tồi tệ hơn. Đợt hạn hán vào cuối năm ngoái có lưu lượng dòng chảy và chu kỳ nước dâng khá bất thường, mực nước lòng sông có nơi chỉ còn 33cm, theo Ủy hội Sông Mê Kông (MRC).
Sản lượng cá đánh bắt ở Campuchia đã giảm từ 80-90%. Theo Krungsri, một ngân hàng Thái Lan, khô hạn đã làm xứ sở chùa vàng thiệt hại 1,5 tỉ USD. Ở Việt Nam, dòng chảy ít đã thúc đẩy xâm nhập mặn ở đồng bằng, khiến nhiều người dân không có nước ngọt để uống và 1/3 diện tích canh tác lúa bị ảnh hưởng trực tiếp (theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Đáng nói là theo kết quả nghiên cứu mới nhất của công ty nghiên cứu Eyes on Earth được Mỹ tài trợ, công bố ngày 12.4.2020, 11 đập thủy điện được xây dựng trên thượng lưu sông Mê Kông mà Trung Quốc gọi là Lan Thương đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước. Tổng lượng nước mà các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại của dòng sông trong 28 năm qua tương đương với chiều cao khoảng 130m, trung bình cao hơn 4,6m so với mức nước tự nhiên. Ngay khi kết quả điều tra của Mỹ được công bố, phía Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ và khẳng định miền Tây Nam nước này cũng vừa hứng chịu hạn hán nghiêm trọng vào năm ngoái.
Thông qua phân tích các hồ sơ về lượng mưa, tuyết và mực nước trước khi hầu hết các đập được xây dựng để phát triển mô hình lượng nước thường chảy vào Thái Lan trong các điều kiện thời tiết khác nhau, Alan Basist và Claude Williams, đồng Giám đốc Điều tra, khẳng định đã có rất nhiều nước từ cao nguyên Tây Tạng đổ về thượng nguồn sông Mê Kông tại Trung Quốc đúng vào giai đoạn chính quyền Bắc Kinh tuyên bố phía Trung Quốc cũng bị hạn hán. Nếu tất cả lượng nước đó chảy về hạ lưu, dòng sông sẽ có độ sâu cao hơn bình thường từ 7-8m khi chảy vào Thái Lan. Nhưng con số thực tế là ít hơn 3m.
Ông Alain Basist nhấn mạnh: ‘‘Không thể bác bỏ được các dữ liệu từ vệ tinh, trong khi có rất nhiều nước trên cao nguyên Tây Tạng, thì những nước như Campuchia và Thái Lan lại lâm vào cảnh thiếu nước, rõ ràng đã có một lượng nước khổng lồ bị Trung Quốc giữ lại’’. Các chuyên gia Trung Quốc lại chuyển hướng phản bác rằng tổng lượng nước của sông Lan Thương chỉ chiếm 13,5% của sông Mê Kông, do đó “việc xây dựng đập của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với lưu vực sông Mê Kông” là một tuyên bố không hợp lý.
Nhưng báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế London lại cho thấy tất cả nước của sông Mê Kông ở Lào đều chảy từ tỉnh Vân Nam ở phía Bắc. Tại Viêng Chăn, thủ đô của Lào, 60% nước vẫn đến từ sông Lan Thương, trong khi lượng nước chảy vào Việt Nam và Phnom Penh lần lượt là 15-20% và 16%, đều cao hơn mức 13,5% mà Trung Quốc nêu ra.
Mặc dù chỉ 1/5 dòng chảy của sông Mê Kông hằng năm đến từ Trung Quốc, nhưng tỉ lệ trong mùa khô thường trên 40%. “Vào tháng 4, khoảng 45% nước của Campuchia cũng đến từ sông Lan Thương”, Hans Guttman, đại diện Ban Thư ký MRC, từng chia sẻ với báo giới.
Trước những yêu cầu minh bạch thông tin thủy văn từ Thái Lan, Lào, Campuchia để điều tra nguyên nhân hạn hán, tháng 2.2020, trong một cuộc họp với các đồng nhiệm Đông Nam Á tại Lào, Ngoại trưởng Trung Quốc từng hứa hẹn sẽ chia sẻ thông tin về các đập thủy điện. MRC cũng đã yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp số liệu nước đập thủy điện về mùa khô, nhưng tới nay hai bên chưa có thỏa thuận chính thức nào. Khó khăn là Trung Quốc chưa tham gia MRC và cũng chưa ký Hiệp định sông Mê Kông có tính ràng buộc. Tất cả thỏa thuận chỉ mang tính cân nhắc, xem xét trên tinh thần tự giác của Trung Quốc.
Sự minh bạch và hợp tác về nguồn nước trong khu vực là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh việc khai thác thủy điện quá mức trên dòng sông Mê Kông đang để lại những hệ quả sâu sắc cả về kinh tế lẫn chính trị. Đó là lý do động thái ngừng triển khai các dự án thủy điện trong 10 năm tới của Campuchia đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt.