Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến vừa có văn bản chỉ đạo UBND huyện Tân Châu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng các ngành liên quan tiếp tục xử lý kiên quyết, dứt điểm vụ người dân sử dụng trên 1.000 ha đất rừng để trồng cây nông nghiệp sai mục đích tại Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, các hành vi lấn chiếm, sử dụng đất rừng phòng hộ không đúng mục đích phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, buộc phải chuyển sang trồng rừng; trong quá trình xử lý phải phân loại đối tượng. Đồng thời, nếu hành vi lấn chiếm, sử dụng đất rừng không đúng mục đích gây ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thì ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng phải yêu cầu các đối tượng vi phạm bồi thường thiệt hại hoặc khởi kiện ra tòa án để giải quyết.
UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính đối với các đối tượng có hành vi lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, chuyển UBND huyện Tân Châu để xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền thì UBND huyện chuyển lên UBND tỉnh xử lý.
Trường hợp UBND huyện Tân Châu đã ban hành các quyết định xử lý đối với các hành vi vi phạm nhưng đối tượng không chấp hành, UBND huyện phải ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế, chặt bỏ cây nông nghiệp trồng không đúng mục đích để chuyển sang trồng rừng theo đúng quy định.
UBND tỉnh Tây Ninh giao UBND huyện Tân Châu sớm hoàn thành Dự án thành lập khu dân cư tại tổ 7, ấp Con Trăn, xã Tân Hòa (huyện tân Châu) trong năm 2020 để di dời dân ra khỏi Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.
Theo ông Tạ Châu Lâm – Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, tại Dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng hiện còn tồn tại 678 hộ gia đình bao chiếm, sử dụng 1.060,6 ha đất lâm nghiệp để trồng cây nông nghiệp (cao su, cây ăn trái, sắn) sai mục đích. Trong đó, xã Tân Hòa có 361 hộ bao chiếm 452,8 ha, xã Tân Thành có 269 hộ bao chiếm 516,4 ha, xã Suối Dây có 27 hộ bao chiếm 59 ha, xã Suối Ngô có 21 hộ bao chiếm 32,4 ha.