Hậu Covid-19: Được – mất từ cấm thịt rừng chuyển sang chăn nuôi công nghiệp

Chính phủ các nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc cấm buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng lệnh cấm này có thể khiến lối sống của hàng triệu con người trở nên bất hợp pháp.

Hiện nay, do COVID-19 được do rằng xuất phát tại một khu chợ động vật tươi sống của Trung Quốc, các chính phủ và Tổ chức Y tế Thế giới đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các nhà bảo tồn, người ăn chay và giới bảo vệ động vật, vườn thú và các nhóm phúc lợi động vật về việc cấm không chỉ săn bắn động vật hoang dã làm thức ăn mà còn chấm dứt buôn bán thương mại động vật hoang dã trên toàn cầu.

Jeanne Mwakembe và Bernardette Maselé đang bán thịt cá sấu và linh dương ở chợ Moutuka Nunene, Lukolela, Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: Ollivier Girard/CIFOR.

Không thể phủ nhận rằng săn bắt và tiêu thụ thịt rừng tác động nghiêm trọng đến quần thể động vật hoang dã, làm loang rộng hiện tượng “rừng rỗng”. Một nghiên cứu của Hội Hoàng Gia năm 2016 cho thấy buôn bán thịt thú rừng gia tăng nhanh chóng. Quy mô của buôn bán thương mại động vật hoang dã đã thay đổi chóng mặt trong 50 năm qua, lan rộng khắp các thành phố châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, áp dụng một lệnh cấm toàn cầu và chuyển đổi sang chăn nuôi công nghiệp để thay thế thịt rừng có phải giải pháp phù hợp?

Theo Sue Lieberman, phó chủ tịch chính sách quốc tế của Tổ chức WSC tại New York, dân cư ngày càng tăng ở châu Phi và châu Á cần phải chuyển sang sử dụng sản phẩm từ động vật nuôi.

“Người dân cần có nguồn thức ăn khác ngoài thịt động vật hoang dã. Tôi không nói rằng mọi người không nên ăn động vật hoang dã nhưng hiện không còn đủ động vật hoang dã để cung cấp cho con người. Thương mại hóa chính là vấn đề. Ưu tiên hàng đầu là phải dừng hoạt động các chợ buôn bán động vật hoang dã. Người dân không thể tiếp tục tình trạng này. Các tập quán bắt nguồn từ hàng trăm năm trước buộc phải chấm dứt. Chi phí dùng để cung cấp gà và cá nuôi cho người dân châu Phi không đáng kể so với những gì đại dịch gây ra.” – Sue nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2011 của Robert Nasi, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (Cifor) cho thấy việc chuyển đổi sang chăn nuôi gia súc để cung cấp protein thay vì sử dụng động vật hoang dã sẽ có tác động rất lớn.

Mỗi năm, các thợ săn khai thác khoảng 4,5 triệu tấn thịt động vật hoang dã từ các khu rừng trong lưu vực Congo và khoảng 1,299 triệu tấn từ rừng Amazon. “Chúng ta cần phải chuyển đổi rừng nhiệt đới hoặc thảo nguyên rộng lớn thành đồng cỏ nhằm thay thế lượng thịt động vật hoang dã bằng thịt gia súc. Làm phép so sánh như sau, hoạt động sản xuất thịt bò ở Brazil khiến khoảng 50 triệu ha rừng bị phá hủy. Nếu việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã ở lưu vực Congo được thay thế bằng thịt bò sản xuất tại địa phương thì cần chuyển đổi 25 triệu ha rừng thành đồng cỏ.” – Nasi phân tích.

Theo Philip Lymbery, giám đốc tổ chức Compassion in World Farming, chăn nuôi công nghiệp có tác động nghiêm trọng đến động vật hoang dã. Đây là động lực chính dẫn tới nạn phá rừng và sự suy giảm động vật hoang dã. Việc nuôi động vật tưởng chừng hiệu quả nhưng con người phải khai phá lượng lớn diện tích đất để trồng thực phẩm, dẫn tới sự xâm lấn vào khu vực đất rừng và phá hủy môi trường tự nhiên.

“Điều này có thể gây ra những tổn thương ngoài sức tưởng tượng cho các loài động vật, thậm chí tàn phá môi trường nhiều hơn. Nó cũng là môi trường lý tưởng để đại dịch tiếp theo sinh sôi. Chăn nuôi công nghiệp và đại dịch có mối liên kết chặt chẽ. Động lực chính dẫn tới đại dịch trong tương lai là chăn nuôi công nghiệp”, Philip đánh giá.

Liên quan đến ý kiến cho rằng dịch bệnh thường bắt nguồn nhiều hơn từ động vật hoang dã, các chuyên gia chỉ ra rằng các bệnh như Mers và Sars, BSE, cúm lợn và cúm gia cầm, E coli, MRSA và salmonella đều có nguồn gốc từ các trang trại chăn nuôi gia cầm, lợn và gia súc, và điều kiện mất vệ sinh khiến bệnh dịch lây lan nhanh chóng. Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), hiện có hơn 25 ổ dịch cúm H5 và H7 đang được kiểm soát tại hơn 20 quốc gia, bao gồm Mỹ, Đức, Ấn Độ và Ả Rập Xê Út. Bất kỳ loài nào, nếu không được giám sát bởi bác sĩ thú y, đều có thể phát triển thành bệnh dịch.

Ngoài ra, Eric Fevre, cán bộ phụ trách về các bệnh truyền nhiễm thú y tại Đại học Liverpool cho rằng chăn nuôi thâm canh là một lĩnh vực cần được xem xét. “Khi chúng ta chọn những con bò sữa tốt hơn, bò thịt tốt hơn hoặc gà đẻ trứng tốt hơn, chúng ta tạo ra những quần thể động vật thường sống trong điều kiện thâm canh nhưng giống nhau về mặt di truyền. Điều này tạo ra rủi ro cho sự xuất hiện của dịch bệnh, bởi vì nếu những quần thể lớn đồng nhất về mặt di truyền này dễ mắc bệnh, mọi thứ có thể lây lan rất nhanh”.

Mặt khác, nhiều nhà dịch tễ học, sinh thái học, nhóm hoạt động về nhân quyền và nhóm người bản địa cho rằng phản ứng đồng loạt cấm buôn bán động vật hoang dã trên quy mô toàn cầu có thể trở nên phi khoa học, phản tác dụng và gây ra xung đột văn hóa.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cấm các hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã ở nơi không có nguồn protein nào khác? Liệu chúng ta có khiến nhiều người chết đói không? Liệu về mặt nào đó, sự phụ thuộc vào sản xuất thực phẩm công nghiệp kèm theo tất cả tác động lớn đến môi trường, sức khỏe và tài chính có tốt hơn so với việc tiêu thụ bền vững của động vật hoang dã?” – Fiore Longo, cán bộ vận động chính sách thuộc tổ chức Survival International trăn trở.

Thịt thú rừng được bán tại chợ phiên ở Yangambi, Cộng hòa Dân chủ Congo. Động vật bị săn bắn gồm giống lợn Warthog, khỉ và chuột Gambia. Rừng ở nơi đây vẫn còn rất nhiều động vật dù số lượng đã giảm trong thập kỷ qua. Ảnh: Axel Fassio/CIFOR

John Fa, Điều phối viên của Sáng kiến Nghiên cứu thịt động vật hoang dã tại Cifor cho rằng điều quan trọng là phải cân nhắc kỹ lưỡng mặt được – mất của vấn đề. “Thịt động vật hoang dã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho con người, chiếm tới 50% lượng protein của người dân Trung Phi. Bạn không thể chỉ nói với mọi người một cách đơn giản: “Đừng ăn thịt động vật hoang dã nữa”.

Hiện nay, các nhà bảo tồn đang đấu tranh để giảm sự tiêu thụ động vật hoang dã thông qua các chiến dịch về nhận thức và hành vi, thúc đẩy luật pháp và thực thi pháp luật, đặc biệt là ở khu vực thành thị châu Phi. Theodore Trefon, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Hoàng gia Bỉ về Trung Phi cho biết: “Nhiều người tiêu dùng tin rằng ăn thịt động vật hoang dã là điều khá bình thường, lành mạnh, đáng khao khát và hợp lý, đồng thời thể hiện sự tôn trọng truyền thống. Đây là một thách thức quen thuộc đối với các nhà bảo tồn động vật hoang dã nhưng cũng là một thách thức khá mới mẻ đối với các chuyên gia y tế công cộng khi phải đối mặt với các bệnh dịch đã biết và chưa biết”.

Ngọc Hiền (Theo The Guardian)

Nguồn: