Quá trình sinh sản của rùa biển cho ta một số hình ảnh đáng yêu nhất trong tự nhiên. Rùa mẹ bò lên bãi biển vào ban đêm, đào tổ và đẻ trứng, sau đó quay lại đại dương. Vài tuần sau, hàng tá chú rùa nhỏ đáng yêu, lẫm chầm bò qua cát, lần đầu tiên xuống biển.
Nhưng chúng ta hiếm khi biết về những gì xảy ra ngay sau khi rùa mẹ đẻ trứng và trước khi trở lại biển.
“Người ta cho rằng quá trình đó đó thật nhàm chán, chỉ là họ không thể hiểu được điều đó mà thôi. Những con rùa lạch bạch quanh đó. Còn mọi người về nhà”, Malcolm Kennedy, nhà động vật học kiêm giáo sư lịch sử tự nhiên tại Đại học Glasgow chia sẻ.
Nhưng tiếng lạch bạch và đường mòn cát tán loạn đó đã mê hoặc TS. Kennedy, người vừa cùng nhà động vật học cũng thuộc Đại học Glasgow Tom Burns công bố một nghiên cứu trên tạp chí Royal Society Open Science. Họ phát hiện ra rằng những con rùa thật ra đang đào những cái tổ “mồi nhử” để đánh lừa những kẻ săn mồi như cầy mangut, chó và lợn hoang, ngăn chúng đánh hơi ra tổ thật để lấy trứng rùa. Phát hiện của họ đi ngược với các lý thuyết trước đó rằng rùa ngụy trang cho tổ trong một số trường hợp, còn lại bỏ mặc rùa con tự xuống nước.
Hai tiến sĩ Kennedy và Burns đã quan sát hai loài rùa biển là rùa da khổng lồ và đồi mồi ở Trinidad và Tobago từ năm 2013 đến 2019, qua đó phát hiện ra rằng rùa không nán lại gần tổ vừa đào mà di chuyển theo nhiều hướng ngẫu nhiên với khoảng cách vài mét rồi dừng lại để phân tán cát tại nhiều “trạm dừng chân” khác nhau trên đường. Thường thì có từ 2 đến cả tá trạm như thế.
Những con rùa cũng tốn rất nhiều năng lượng và thời gian – khoảng 30 phút – cho nỗ lực này, phơi bày bản thân trước nguy hiểm từ những kẻ săn mồi và mặt trời nóng bỏng đang mọc lên.
TS. Kennedy nói: “Điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động này đối với chúng. Tại sao họ lại dành thời gian đó để ngụy trang một khu vực không gần tổ?”
Câu trả lời là một kẻ săn mồi có thể đào một hoặc hai điểm “mồi nhử” do rùa biển để lại rồi bỏ cuộc.
Nếu một loài rùa luôn làm điều tương tự thì kẻ săn mồi có thể học được và theo dấu để tìm nơi có tổ. Nhưng nếu chúng di chuyển ngẫu nhiên, kẻ săn mồi không thể học được bất kỳ mô thức nào”, theo TS. Kennedy.
TS. Kennedy cho biết rùa da và đồi mồi có liên quan vì chung tổ tiên hơn 100 triệu năm trước, và giải thích thêm rằng có thể chúng học được hành vi nhử mồi để ngăn chặn những kẻ săn mồi nhỏ bé đào bới trứng trong thời kỳ khủng long.
Có hơn nửa tá loài rùa biển và những loài khác có thể không có các hành vi như vậy. Roldán A. Valverde, nhà sinh vật học thuộc Đại học Southeastern Louisiana và là giám đốc khoa học của Tổ chức Sea Turtle Conservancy cho biết vích có xu hướng đẻ trứng xong là quay thẳng về biển. TS. Valverde giữ thái độ hoài nghi về nghiên cứu và lưu ý rằng kích thước khổng lồ của rùa da – chúng có thể nặng tới hơn 400 kg – và việc di chuyển kềnh càng là nguyên nhân khiến cát tán loạn và trông có phần ngẫu nhiên.
Alexander Gaos, nhà sinh thái nghiên cứu thuộc Chương trình đánh giá và sinh học rùa biển liên bang Hoa Kỳ ca ngợi phương pháp của nghiên cứu mới nhưng băn khoăn liệu phát hiện từ nghiên cứu có phải là “vấn đề ngữ nghĩa” hay không.
“Dù bạn gọi là nhử mồi hay ngụy trang thì vẫn là một hoạt động”.
TS. Kennedy chờ đón những thảo luận này nhưng tin rằng hầu hết các nhà khoa học về rùa cần nghiên cứu hành vi này chặt chẽ hơn.
“Đó là điều rất thú vị về khoa học. Ai lại muốn làm những gì mọi người khác đều tin vào”.
Thế Anh (Theo New York Times)