Các chuyên gia cảnh báo việc khai thác các loài động vật nguy cấp như tê tê và hổ đang làm mờ nhạt ngành y học cổ truyền Trung Quốc (Traditional Chinese Medicine – TCM).
Những người ủng hộ và hành nghề TCM cảnh báo rằng các nguyên tắc của ngành này đang bị đe dọa bởi những người buôn bán động vật nguy cấp.
Theo Tiến sĩ Lixing Lao, Chủ tịch Virginia University of Integrative Medicine, một nhóm nhỏ trong cộng đồng TCM vẫn sử dụng các bộ phận cơ thể động vật nguy cấp làm thuốc, phớt lờ phúc lợi cũng như ý tưởng tôn trọng đa dạng sinh học và họ có thể hủy hoại danh tiếng của ngành này. “Cân bằng với thiên nhiên là điểm mấu chốt của TCM, sử dụng động vật nguy cấp là trái với tự nhiên và không phù hợp với các nguyên tắc thực hành TCM”.
Cũng theo Tiến sĩ Lao, các thầy thuốc từ đời Đường cách đây 1.500 năm đã tin rằng 100% các phương thuốc TCM có thể lấy từ thực vật. Ngoài các bài thuốc, TCM bao hàm nhiều thứ, từ liệu pháp châm cứu, thở và rèn luyện thân thể, thói quen ăn uống liên quan đến tình trạng đặc thù của cơ thể và nhiều quan điểm về cách đạt tới sự cân bằng trong cơ thể.
Theo quan điểm của Tiến sĩ Lao và nhiều người, con đường cải tiến là từ bỏ sử dụng các bộ phận động vật nguy cấp như tê tê, hổ, báo và tê giác.
Ngành buôn bán động vật hoang dã trị giá 76 tỉ đô la ở Trung Quốc – vốn được xem là nguồn cơn của đại dịch Covid-19 – phần lớn được duy trì bởi sự mê tín và nhầm lẫn về lợi ích của các bộ phận động vật.
Trước khi có lệnh tạm dừng buôn bán động vật hoang dã trên toàn quốc, Cục Lâm nghiệp Trung Quốc vẫn cấp phép cho các công ty dược phẩm TCM sử dụng các bộ phận động vật trong kho dự trữ có từ trước hoặc động vật hoang dã nuôi trong trang trại. Dù vậy, nạn săn trộm và buôn bán trái phép động vật hoang dã nguy cấp vẫn diễn ra trên toàn cầu. Các bộ phận động vật được bán thô cho những công ty sản xuất dược phẩm TCM (ví như vảy tê tê khô được nghiền thành bột dùng cho một số bài thuốc) hoặc dưới dạng sản phẩm như rượu hổ cốt và rượu xương báo, được quảng cáo là “đạt chất lượng TCM”.
“Đây không phải là vấn đề của một người hành nghề TCM mà là cả một ngành kiếm tiền từ cái được cho là y học cổ truyền. Điều này làm hình ảnh y học Trung Quốc xấu đi. Họ lợi dụng danh nghĩa TCM cho mục đích riêng, còn chúng tôi vô can”, Tiến sĩ Lao than thở.
Sừng tê giác và xương hổ bị loại khỏi Dược điển Trung Quốc từ những năm 1980. Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Traffic thừa nhận có chiều hướng tích cực trong cộng đồng TCM ở Trung Quốc những năm gần đây khi không sử dụng các loài động vật nguy cấp. Tuy nhiên, Richard Thomas, Giám đốc truyền thông của Traffic chỉ rõ: “Vấn đề là ý thức về TCM”.
Trung Quốc từ lâu vẫn tán dương lợi ích của TCM, kiên định ủng hộ ý tưởng kết hợp Đông – Tây y và khuyến khích nghiên cứu nhiều hơn về TCM.
Các chuyên gia về TCM như Tiến sĩ Lao tin rằng các bài thuốc chỉ nên được sử dụng khi thực sự cần thiết và không được kê đơn tràn lan theo kiểu dược phẩm phương Tây thường áp dụng, thay vào đó ưu tiên phòng bệnh kỹ hơn để giảm thiểu nhu cầu sử dụng thuốc.
Sự ủng hộ TCM (chính thức được WHO đưa vào trích yếu thực hành y học toàn cầu năm 2019) có thể tiêu tan nếu không giải quyết được vấn đề cốt lõi là buôn bán động vật hoang dã – vốn in sâu vào tâm trí nhiều người là liên quan đến dịch Covid-19 và sự suy giảm của các loài nguy cấp.
Ngành kinh doanh “khủng”
Đối với chính phủ Trung Quốc, cổ xúy TCM là một trong những cách giúp hàng triệu người thoát nghèo. Theo Sách trắng công bố 4 năm trước, Trung Quốc ước tính tổng giá trị ngành công nghiệp TCM sẽ đạt khoảng 420 tỷ đô la vào cuối năm 2020. Riêng tại thủ phủ TCM Bạc Châu, tỉnh An Huy, giá trị ngành này ước đạt 19 tỷ đô la Mỹ.
Cũng theo Sách trắng, trên thế giới có khoảng 900 triệu người hành nghề TCM ở 183 quốc gia và con số này vẫn đang tăng lên. Các bệnh viện và phòng mạch TCM ở Trung Quốc đạt tới một tỷ lượt khám trong năm 2017 và con số này tăng khoảng 6% mỗi năm.
Một báo cáo được Học viện Kỹ thuật Trung Quốc công bố năm 2017 cho biết tổng giá trị của ngành công nghiệp động vật hoang dã, đặc biệt là việc nhân nuôi lấy các bộ phận phục vụ cho TCM đạt mức tương đương khoảng 7 tỷ đô la Mỹ. Con số này chưa bao gồm buôn lậu động vật sống, động vật chết và các bộ phận động vật. Nếu tính cả giá trị các mẫu vật bị tịch thu qua các vụ thu giữ vảy tê tê, sừng tê giác và xương hổ thì con số đó còn cao gấp nhiều lần.
Tháng 2/2020, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành lệnh cấm hoàn toàn các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trên cạn cho đến khi Luật Bảo vệ Động vật hoang dã và các hướng dẫn tuân thủ được cập nhật – dù trọng tâm chính có vẻ là thịt rừng và rất ít hành động cụ thể nhắm vào các sản phẩm sử dụng cho TCM hay lông hoặc da.
Không riêng Trung Quốc, các động thái chấm dứt sử dụng động vật hoang dã nguy cấp trong y học cổ truyền đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Ba tổ chức phi chính phủ Trung Quốc và hai tổ chức toàn cầu gần đây đề xuất rằng tất cả các thành viên IUCN hỗ trợ ngăn chặn việc sử dụng các loài nguy cấp trong y học cổ truyền. Đề xuất này được IUCN ghi nhận và sẽ được đưa ra cho các thành viên phê duyệt hoặc thảo luận vào tháng 1 năm sau.
Debbie Banks, Trưởng nhóm chiến dịch tội phạm về hổ và động vật hoang dã thuộc Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) cho biết hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong văn bản của IUCN, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc “sử dụng bền vững” động vật hoang dã và chấp nhận những gì được gọi là tiêu chuẩn FairWild để tìm nguồn cung ứng thực vật hoang dã cũng như áp dụng tiêu chuẩn này vào động vật hoang dã.
“Có một rủi ro là những người ủng hộ nuôi nhốt hổ sẽ đem luận điệu này ra biện bạch rằng “thu hoạch” hổ nuôi nhốt là bền vững mà không tính đến việc buôn bán mẫu vật nuôi nhốt sẽ duy trì nhu cầu đối với mẫu vật hoang dã, nhất là người tiêu dùng vẫn ưu tiên sản phẩm hoang dã”. Do đó, theo Banks, các tiêu chuẩn dành cho các loài thực vật không thể đơn giản áp dụng cho việc thu hoạch các sản phẩm động vật hoang dã và cần tuyên bố rõ là chỉ áp dụng cho thực vật.
“Chúng tôi đã hy vọng rằng các nhà lập pháp mở rộng quy định đối với y học Trung Quốc theo các cải cách của Luật Bảo vệ Động vật hoang dã như đề xuất của các học giả và tổ chức phi chính phủ ở Trung Quốc”, Aron White, Chuyên gia về Trung Quốc thuộc EIA cho biết.
Cũng theo White, “vấn đề không phải là y học Trung Quốc mà là các thành phần vẫn được sử dụng từ động vật hoang dã nguy cấp có thể được thay thế bằng thảo dược hoặc các giải pháp nhân tạo khác như nhiều người hành nghề y vẫn làm”.
Mật gấu và Covid-19
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, lãnh đạo và truyền thông Trung Quốc ủng hộ ngành công nghiệp TCM và coi đây là ngành trụ cột.
Nhưng theo báo cáo công bố gần đây trên tạp chí Nature, ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ bên ngoài yêu cầu Trung Quốc thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt hơn đối với sản phẩm TCM, đặc biệt là các sản phẩm được quảng bá ở nước ngoài là thuốc điều trị Covid-19 – thường được gửi kèm các lô hàng viện trợ thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE).
Việc sử dụng mật gấu ngựa nuôi nhốt làm thành phần thuốc TCM được chính phủ coi phương pháp điều trị cho các trường hợp nhiễm virus corona nguy kịch bị các nhóm bảo vệ động vật hoang dã chỉ trích dữ dội.
Grace Gabriel, giám đốc châu Á của tổ chức IFAW bày tỏ: “Tôi thực sự đau lòng khi thấy TCM sử dụng mật gấu để điều trị Covid-19, dù lượng dùng rất nhỏ. Tại sao lại đi hủy hoại tiếng thơm chỉ vì điều đó? Kết luận duy nhất mà tôi có thể đi đến, đó là ngành chăn nuôi động vật hoang dã ở Trung Quốc đã tiếm quyền TCM”.
Trung Quốc có những lựa chọn thay thế trong việc lấy mật gấu cho các phương thuốc TCM, nhưng ngành nuôi nhốt mạnh đến mức khiến cho những thay thế đó không thể được thúc đẩy.
“Thứ còn thiếu là giáo dục. Chúng ta cần cho công chúng hiểu rằng y học Trung Quốc nhấn mạnh sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên, vì vậy chúng ta phải tôn trọng tự nhiên”, Tiến sĩ Lao Lixing kết luận.
Lò Dược (Theo Theguardian)