Đó là cảnh báo vừa được một số tổ chức khoa học, y tế và nhân đạo quốc tế cùng đưa ra, liên quan đến tác động cộng hưởng của các lệnh giới nghiêm do dịch Covid-19, thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu khi khu vực Bắc Bán cầu bước vào mùa mưa bão.
Các chuyên gia nhận định, thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa hè cũng là lúc các quốc gia ở khu vực Bắc bán cầu đối mặt với nguy cơ thời tiết cực đoan ở mức cao nhất, đặc biệt là nắng nóng đỉnh điểm và các trận siêu bão. Các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu thậm chí có thể còn nguy hiểm hơn trong năm nay, vì một số biện pháp hỗ trợ ứng phó thiên tai khẩn cấp sẽ trở nên khó thực hiện hơn ở những nơi đang phải đối phó với đại dịch Covid-19.
Năm 2020 được dự báo sẽ là năm nóng nhất lịch sử. Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Mạng lưới Thông tin Nhiệt độ Sức khỏe Toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã phải ban hành hướng dẫn khẩn cấp về cách xử lý ảnh hưởng kết hợp của sóng nhiệt và Covid-19.
Giáo sư Maarten van Aalst thuộc Trung tâm Khí hậu Lưỡi liềm đỏ Chữ thập đỏ nhấn mạnh: Đúng là các nỗ lực ứng phó Covid-19 tức thời là cực kỳ quan trọng, bao gồm biện pháp giãn cách xã hội, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với cả các nguy cơ khí hậu vẫn đang tiếp tục diễn ra, từ đó điều chỉnh những kế hoạch dự phòng phù hợp với những diễn biến mới hiện nay của đại dịch. Tình thế nan giải này đã xuất hiện ở nhiều nơi, như: các trận lốc xoáy ở Mỹ, bão Harold ở Nam Thái Bình Dương, bão Ambo ở Philippin, siêu bão Amphan quét qua Bangladesh, Ấn Độ…
“Đại dịch này như một máy quét X quang, chụp chiếu cho chúng ta thấy rõ các yếu điểm của nền kinh tế toàn cầu và đặc biệt là phơi bày những rủi ro mà nhóm người dễ bị tổn thương nhất phải đối diện, thường là nhiều mối đe dọa cùng một lúc”, Giáo sư Maarten khẳng định.
Nhiều người – đặc biệt là những người trong nhóm dễ bị tổn thương nhất – có thể sẽ không muốn rời khỏi nhà mình để tránh bị lây nhiễm với virus. Ngay cả một biện pháp phòng chống thiên tai phổ biến như các khu nhà trú ẩn khẩn cấp cho cộng đồng cũng có thể bị hạn chế do các yêu cầu giãn cách xã hội. Nhưng hành động này có thể khiến họ chịu nhiều rủi ro hơn từ nhiệt độ tăng cao cực đoan và bão. Theo ông Sébastien Lyon, Tổng Giám đốc UNICEF Pháp, những cộng đồng thu nhập thấp, vô gia cư vốn đã gặp khó khăn trong tiếp cận nước sạch, lương thực và điện. Khi thiên tai xảy ra, đối tượng này, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, người già càng dễ bị tổn thương hơn.
Ở một số quốc gia, các dịch vụ y tế khẩn cấp sau một thời gian dài oằn mình chống dịch có thể sẽ không còn sức đối phó với nhu cầu cấp cứu tăng vọt khi thiên tai bất ngờ xảy ra. Bên cạnh đó, lính cứu hỏa cũng có thể sẽ gặp thêm khó khăn khi đối phó với các vụ cháy rừng trong thời kỳ virus bùng phát. Thiệt hại kinh tế do đại dịch cũng có thể khiến chính quyền khó hỗ trợ người dân.
Các chuyên gia cho rằng, chính quyền địa phương và quốc gia ở những nơi có nguy cơ xảy ra các sự kiện cực đoan nên khẩn trương chuẩn bị và truyền đạt kế hoạch bảo vệ người dân khỏi các thảm họa thời tiết, đồng thời đảm bảo không để các nỗ lực chống đại dịch suy yếu.
Tiến sĩ Nick Watts, Giám đốc điều hành của Lancet Countdown cho rằng, biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại cho sức khỏe của mọi người. Mặc dù nhiều quốc gia hiện đang sử dụng các biện pháp ứng phó khẩn cấp như xây nhà trú ẩn tránh nhiệt và lốc xoáy để bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương, nhưng các biện pháp này không bao giờ có thể loại bỏ hoàn toàn những rủi ro sức khỏe từ các sự kiện thời tiết cực đoan.
Biến đổi khí hậu đã đẩy ngày càng nhiều người vào điều kiện nhiệt độ nguy hiểm, làm giảm năng suất lao động và hạ thấp năng suất cây trồng. Có thể đại dịch này còn khiến công tác bảo vệ người dân khỏi các sự kiện cực đoan trong năm nay khó khăn hơn, nhưng chỉ có cắt giảm khí nhà kính mới có thể thực sự bảo vệ người dân khỏi các sự kiện cực đoan trong tương lai.