Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng thống nhất trên cả nước nhằm tạo khung pháp lý để huy động các nguồn lực xã hội bền vững là nội dung chính của hội thảo “Tiếp cận đa bên trong giám sát, đánh giá chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng” do Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) và Hội chủ rừng Việt Nam tổ chức ngày 28/5, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature cho biết: Mục tiêu của hội thảo nhằm nhận diện và chia sẻ các cách tiếp cận khác nhau trong thiết kế và xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng quốc gia và địa phương; bài học kinh nghiệm từ quan điểm của các bên. Đồng thời, đây là dịp thảo luận về cơ hội cho sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước (tổ chức nghiên cứu, xã hội dân sự và cả cộng đồng) trong thiết kế và thực hiện hệ thống giám sát – đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bá Ngãi, Hội chủ rừng Việt Nam, chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách lớn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn được các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức đồng tình ủng hộ và thực hiện, nhân dân hưởng ứng và tham gia mạnh mẽ. Chính sách này nhanh đi vào cuộc sống và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Theo đó, chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong 10 thành tựu nổi bật nhất của ngành Nông nghiệp trong giai đoạn 2011-2015 và tiếp tục giữ vững là một trong những lĩnh vực hàng đầu của ngành Lâm nghiệp.
Bàn về tiến trình và định hướng xây dựng hệ thống giám sát đánh giá chi trả, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng Việt Nam Lê Văn Thanh cho biết: Sau hơn 9 năm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, việc chi trả đã được thực hiện trên phạm vi 45 tỉnh, 500 huyện, 4.750 xã với 417.676 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và nhóm hộ, 1.055 tổ chức. Tuy vậy, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đang thiếu cơ chế và hệ thống giám sát, đánh giá; thiếu các quy định chung về Bộ chỉ số giám sát, đánh giá; thiếu quy định ràng buộc về trách nhiệm giám sát và báo cáo giám sát giữa các cấp, giữa các bên liên quan; thiếu quy định về tự giám sát của các bên liên quan. Những vấn đề nêu trên đang tạo ra một khoảng trống lớn về hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ cho báo cáo và giải trình giữa các cấp, các bên liên quan; thiếu hệ thống giám sát, chỉ tiêu, chỉ số cho đánh giá tính công khai, minh bạch, hiệu quả và tác động, ảnh hưởng của thực thi chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Xuất phát từ yêu cầu thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều đại biểu tham gia hội thảo cho rằng, mục tiêu của việc chi trả dịch vụ môi trường rừng là để cải thiện cuộc sống cho người dân có rừng hay bảo vệ rừng nói riêng và góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển rừng nói chung. Tuy vậy, để bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, không chỉ dựa vào một chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mà cần nhiều hơn các cơ chế như mở rộng nhiều hơn các loại dịch vụ. Mức chi trả cũng nên tính toán lại để bảo đảm tương xứng với giá trị và nỗ lực bảo vệ rừng đặt ra.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần kịp thời xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng thống nhất trên cả nước. Lộ trình xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá gồm: Tiếp tục nghiên cứu, thí điểm để tổng kết, bổ sung các nội dung giám sát và đánh giá trong Nghị định số 156/2018/NĐ-CP; Quỹ Trung ương phối hợp với các Quỹ tỉnh và các chương trình, dự án tiếp tục nghiên cứu, thí điểm, tổng kết, tham mưu Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn giám sát và đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng.