Liên quan đến những yếu kém, sai phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về khoáng sản mà Thanh tra Chính phủ vừa kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc và có biện pháp thu hồi cho ngân sách nhà nước hơn 24,3 tỷ đồng mà các tổ chức hoạt động khai thác còn nợ đọng.
Đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang và Cục trưởng Cục thuế tỉnh Kiên Giang.
Theo kết luận số 602, ngày 27-4 của Thanh tra Chính phủ, khi kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản tại Nhà máy xi-măng Hà Tiên do Công ty cổ phần xi-măng Hà Tiên 1 làm chủ đầu tư và Nhà máy xi-măng Hòn Chông do Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam) làm chủ đầu tư đã phát hiện một số sai phạm.
Công ty cổ phần xi-măng Hà Tiên 1 giấy phép khai khác mỏ sét đã hết hạn từ năm 2003, nhưng doanh nghiệp này vẫn tiếp tục khai thác đất sét cho đến thời điểm kiểm tra. Tại mỏ đá vôi núi Trầu – núi Còm, thời điểm ngày 31-12-2017, tổng sản lượng mà doanh nghiệp này khai thác là 33.584.035 tấn, vượt so với trữ lượng theo giấy phép khai thác khoáng sản là 1.284.035 tấn.
Còn đối với Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam) đã có hành vi kê khai khối lượng đá vôi để tính thuế tài nguyên chưa đúng với khối lượng thực tế khai thác. Tổng số tiền thuế tài nguyên chênh lệch tăng so với số tiền thuế tài nguyên mà doanh nghiệp này kê khai và nộp phải truy thu về cho ngân sách nhà nước gần 2,3 tỷ đồng.
Tại mỏ đá Cây Xoài – Bãi Voi, Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam) khai thác vượt công suất theo giấy phép khai thác khoáng sản vào các năm 2011, 2013, 2014, 2015, 2016 và 2017.
Khi kiểm tra hồ sơ năm doanh nghiệp khai thác khoáng sản do tỉnh Kiên Giang cấp phép (Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang cung cấp), Thanh tra Chính phủ phát hiện cả năm doanh nghiệp không chấp hành các quy định của Luật Khoáng sản, cần phải thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo luật định.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Kiên Giang không lập bản đồ hiện trạng, bản vẻ mặt cắt hiện trạng khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản gửi cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản.
Công ty TNHH MTV 622 không đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép, không báo cáo kết quả khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước.
Doanh nghiệp tư nhân Quốc Thắng và Công ty TNHH Kim Dung sau 12 tháng kể từ ngày giấy phép khai thác có hiệu lực nhưng chưa xây dựng cơ bản mỏ mà không có lý do chính đáng (bất khả kháng).
Còn với Công ty TNHH Khoáng sản và Đầu tư thiên nhiên (Mỏ đá xây dựng ở núi Sơn Trà (xã Bình An, huyện Kiên Lương), giấy phép được UBND tỉnh Kiên Giang cấp ngày 7-7-2010 cho phép doanh nghiệp khai thác tại núi Sơn Trà với diện tích 8,4 ha, trữ lượng được phép khai thác 4.074.000 m3, công suất khai thác 250.000 m3/năm, thời gian 16 năm, kết thúc tháng 7-2026. Năm 2017, doanh nghiệp này báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang sản lượng khai thác trong năm là 37.000 m3, nhưng lại không kê khai với cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sarn ở Kiên Giang không hề hay biết.
Được biết, thời kỳ 2011-2017, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang là ông Nguyễn Xuân Lộc, còn Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang là ông Nguyễn Quốc Cường. Ông Cường hiện là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng.