Lần đầu tiên các quy định rải rác, phân tán về bảo vệ môi trường trong các luật khác được đưa vào dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất trong lĩnh vực này.
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là các chính sách liên quan đến kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, trong đó đã thể hiện nhiều nội dung mới, thay đổi căn bản phương thức quản lý môi trường.
Bổ sung nhiều quy định, công cụ kinh tế mới
Đây là lần đầu tiên đưa các quy định rải rác, phân tán về bảo vệ môi trường trong các luật khác vào dự thảo Luật nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường.
Cơ quan soạn thảo đã rà soát, đánh giá, làm rõ mối tương quan của dự thảo Luật với vai trò là đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường với các luật chuyên ngành khác có liên quan, bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường có tính nguyên tắc để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất như bổ sung các quy định về đa dạng sinh học, bảo vệ chất lượng nước…
Dự Luật cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-85 ngày, thu hẹp khoảng 40% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường, không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần giảm chi phí khoảng 21 nghìn tỷ đồng/năm.
Nhiều công cụ kinh tế mới trong quản lý môi trường được bổ sung như hạn ngạch và thị trường phát thải, cơ chế đặt cọc-hoàn trả, đóng góp kinh phí để thu gom, tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, thực hiện đối tác công tư, đầu tư vào vốn tự nhiên…; hoàn thiện các công cụ, chính sách đã có nhưng đang được triển khai chưa hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu điều chỉnh hành vi theo hướng thân thiện với môi trường như thuế, phí bảo vệ môi trường, hoặc các chính sách chưa phát huy được vai trò do thiếu cơ chế triển khai thực hiện như bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, thu hồi sản phẩm thải bỏ ….
Đưa nội hàm môi trường vào các mô hình phát triển kinh tế-xã hội như khu đô thị, khu công nghiệp sinh thái, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít carbon … nhằm hướng đến sự phát triển bền vững, thân thiện môi trường.
Lần đầu tiên quy định nguyên tắc hội nhập với thế giới trong xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nhằm cụ thể hóa quan điểm lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, ngăn chặn sự chuyển dịch các công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, khắc phục tình trạng đầu tư cho bảo vệ môi trường còn thấp từ khu vực tư nhân trong thời gian qua.
Dự thảo Luật bổ sung một số điểm mới, mang tính đột phá như việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường không cần thông báo, công bố trước để đảm bảo sự linh hoạt, bất ngờ; tăng mức phạt tối đa tương ứng với số lợi bất hợp pháp thu được thay vì khống chế mức phạt tối đa cố định như hiện nay, song song với việc kéo dài thời hiệu xử phạt lên đến 10 năm; bổ sung phương thức tính tiền phạt đối với những đối tượng “nhờn luật” thông qua cơ chế “tích lũy điểm phạt” (phạt theo ngày), “nhân theo hệ số vi phạm” (phạt theo cấp số nhân); áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (giáo dục, lao động công ích), quy định các tổ chức, cá nhân quản lý khu công cộng được phạt theo nội quy, quy chế về bảo vệ môi trường của khu công cộng để đạt được mục đích giáo dục, nâng cao ý thức của người dân.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, Luật Thuế bảo vệ môi trường mới thu đối với hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường (xăng dầu, than đá, dung dịch HCFC, túi nylon …) sẽ không khuyến khích được việc thay đổi công nghệ để giảm phát thải, do đó chưa đạt được mục tiêu là thay đổi hành vi.
Để khắc phục được hạn chế này, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường phải là cơ quan xác định đối tượng chịu thuế, nguyên tắc tính thuế dựa trên công tác thống kê, kiểm kê chất thải, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các đối tượng này đến môi trường để từ đó điều tiết hiệu quả các hành vi theo hướng có lợi cho môi trường. Do đó, các nội dung này cần phải được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường.
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Giáo sư tiến sỹ Nguyễn Trọng Hiệu, Trung tâm khoa học công nghệ Khí tượng, Thủy văn và Môi trường cho rằng về những vấn đề liên quan đến chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, có một số điểm cần được xem xét như Điều 35, khoản 1 cần bổ sung nội dung quan trắc hệ thống khí hậu và giáo dục, đào tạo nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho công chúng theo các cam kết đối với Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu.
Quy định “Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực và đối tượng người dân dựa trên kịch bản biến đổi khí hậu và dự báo phát triễn kinh tế-xã hội” là chưa đầy đủ. Điều 36 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần bổ sung nội dung phát triển năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng bức xạ mặt trời và năng lượng gió nhằm thực hiên nguyên tắc bảo vệ môi trường. Điều 38 về bảo vệ tầng ôzôn cần chỉ rõ tên các chất gây suy giảm tầng ôzôn và các chất khí nhà kính kiểm soát bởi Nghị định thư Montreal.
Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hiệu cũng đề nghị cân nhắc thêm về việc dành riêng Điều 37 để quy định về nội dung và trách nhiệm định giá carbon và thị trường tín chỉ carbon bởi điều này đã được viết trong Điều 36, hoạt động này chưa đủ quy mô để tách riêng thành một điều độc lập và là một trong ba cơ chế của Nghị định thư Kyoto mà đến nay không được quan tâm nhiều kể từ khi Thỏa thuận Paris ra đời và có hiệu lực.
Chuyên gia độc lập Nguyễn Thị Như Mai đề nghị bổ sung các quyền của doanh nghiệp vì dự thảo Luật chủ yếu quy định trách nhiệm của doanh nghiệp (kiểm kê khí nhà kính, nộp thuế…); bổ sung quy định yêu cầu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành phải có nội dung về tác động của biến đổi khí hậu. Luật cũng cần quy định cụ thể những lĩnh vực, hoạt động nào cần/phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn khoa học biến đổi khí hậu; quy định rõ nét hơn về quyền tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị-xã hội vì dự thảo Luật quy định còn chung chung.
Cần công khai, minh bạch giấy phép môi trường
Chủ tịch Hội Không khí sạch Hoàng Dương Tùng đề xuất cấp giấy phép môi trường nên đổi lại là hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường cho dễ hiểu và giống như các quy định khác. Ở mức Luật, chỉ nên quy định nội dung chính, chi tiết nên để Chính phủ quy định ở mức nghị định.
Các loại giấy phép môi trường nên quy định theo loại hình quy mô của dự án và cấp xét duyệt để từ đó quy định nội dung, thủ tục, quy trình của hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường phù hợp; bổ sung đề xuất ngưỡng phát thải trong hồ sơ, trách nhiệm tài chính (thuế, phí môi trường) trong nội dung giấy phép môi trường; nên quy định các bước cụ thể, rõ ràng đối với từng loại giấy phép môi trường.
Quy định việc cấp giấy phép môi trường cần được tiến hành qua mạng để giảm các thủ tục hành chính và công khai minh bạch và bổ sung vào Luật các bước: Công khai dự thảo giấy phép môi trường để người nộp hồ sơ và cộng đồng có ý kiến; công khai giấy phép môi trường sau khi cấp trên mạng để cộng đồng theo dõi giám sát; chủ dự án có quyền khiếu nại về các điều kiện được ghi trong giấy phép môi trường…
Điều 50 về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án sau khi được cấp phép môi trường đang quy định các chủ dự án phải đánh giá hiệu quả trong từng công đoạn xử lý, lấy mẫu tỗ hợp để quan trắc là không cần thiết, can thiệp quá sâu vào công việc của doanh nghiệp, gây tốn kém cho doanh nghiệp.