Phát triển dựa vào năng suất kết hợp sáng tạo và phân bổ hiệu quả vốn tư nhân, Nhà nước… là những yếu tố để Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, theo WB.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao”. Trong đó, đưa ra các khuyến nghị chính sách để Việt Nam duy trì tăng trưởng chất lượng cao giữa bối cảnh dịch Covid-19 có thể làm thay đổi hoàn toàn xu thế tăng trưởng toàn cầu.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội, nhưng hiện nay, đất nước đang ở một ngã ba đường khi các động lực tăng trưởng truyền thống dần suy yếu.
“Để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng năng suất phải giữ vị trí then chốt trong mô hình phát triển kinh tế thập kỷ tới. Nói cách khác, Việt Nam cần có quyết sách để không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn chất lượng hơn”, ông nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Trưởng ban cố vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, các động lực tăng trưởng cũ như tài nguyên, dân số trẻ, nhân công giá rẻ đã chạm giới hạn. Trong khi đó, địa chính trị trên thế giới thay đổi đã tác động mạnh đến nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.
Vì vậy, muốn hội nhập với các nền kinh tế có thu nhập cao, Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng.
“Trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của Việt Nam phải đạt từ 6,5-6,75%/năm đến năm 2030, so với mức bình quân 4,75% giai đoạn 2011-2016″, ông nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, trong giai đoạn chuyển từ nước thu nhập trung bình sang thu nhập cao, Việt Nam cần kết hợp hai mục tiêu là tích lũy vốn và tri thức để cạnh tranh với các nền kinh tế cùng quy mô khác trên thế giới.
Báo cáo của WB lần này cũng nhấn mạnh, Việt Nam là một câu chuyện thành công về phát triển. Trong 2 thập kỷ qua, thu nhập bình quân của hộ gia đình đã tăng gấp 4 lần và tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ 50% xuống còn khoảng 2%.
“Hầu hết người Việt Nam đều đang được hưởng những điều kiện sống mà khó có thể tưởng tượng vào 30 năm trước”, báo cáo nhấn mạnh.
Tuy vậy, WB cũng chỉ ra những điều kiện thuận lợi trước đó của Việt Nam như lợi thế dân số, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, bùng nổ thương mại toàn cầu… có thể biến thành trở ngại.
Đồng thời, tình hình ô nhiễm gia tăng cùng với biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, và cả sản lượng sản xuất tại khu vực nông thôn và thành thị. Bối cảnh quốc tế cũng đang thay đổi. Thương mại toàn cầu đã giảm trong 10 năm qua.
Cùng với những lý do trên, cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể gây ra một cơn địa chấn và là một nhân tố thúc đẩy xu thế mới của kinh tế thế giới.
Do đó, Việt Nam cần đổi mới mô hình phát triển nếu muốn đáp ứng khát vọng của người dân và Chính phủ.
Theo các chuyên gia của WB, quá trình chuyển từ tình trạng thu nhập thấp sang thu nhập trung bình diễn ra khá nhanh. Nhưng để Việt Nam vươn tới mục tiêu là nước có thu nhập cao vào năm 2045 và đi theo con đường của các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc sẽ có nhiều khó khăn hơn.
WB nhấn mạnh, Việt Nam cần đặt mục tiêu tăng năng suất lên hàng đầu và ở vị trí trung tâm để có thể chinh phục mục tiêu kể trên. Những ví dụ trên thế giới cũng chỉ ra các quốc gia có thể gia tăng số lượng và liên tục nâng cao chất lượng các nguồn vốn sẽ có được tăng trưởng dài hạn.
Cơ quan này cũng chỉ ra những ưu tiên hàng đầu để củng cố vốn sản xuất cho nền kinh tế bao gồm, doanh nghiệp năng động, cơ sở hạ tầng hiệu quả, lao động có kỹ năng và nền kinh tế xanh.
Trong đó, khuyến khích cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập hay rời khỏi thị trường để đảm bảo nguồn lực được đưa vào những công ty sáng tạo và hiệu quả nhất.
Việt Nam đã xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng và cần nâng cao hiệu quả đầu tư và xây dựng thêm các công trình. “Quan trọng hơn nữa là tăng cường công tác vận hành và bảo trì. Nhờ đó sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở hạ tầng này”, báo cáo nêu.
Ngoài ra, để phát triển bền vững, cần chuyển từ việc sử dụng tài sản tự nhiên nhằm mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn sang sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bao gồm đất đai, không khí và nước sạch, một cách hiệu quả hơn.
Ở các nước giàu, vốn tự nhiên đang tăng lên chứ không phải giảm xuống. Có nhiều giải pháp để quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, kiểm soát ô nhiễm chặt chẽ hơn và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với những tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu.