Để các loài cây thuốc quý không tuyệt chủng

Việc xây dựng các khu sản xuất, nuôi trồng cây thuốc tập trung đã giúp khôi phục, bảo tồn và phát triển một số loài cây thuốc có giá trị. Đồng thời góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời nâng cao ý thức của nhân dân trong vùng về bảo vệ tài nguyên cây thuốc…

Báo động cạn kiệt nguồn tài nguyên thuốc

Nước ta là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) năm 2016, nước ta có 5.117 loài thực vật và nấm lớn có công dụng làm thuốc. Tuy nhiên, do khai thác liên tục nhiều năm, không chú ý bảo vệ tái sinh và nhiều nguyên nhân tác động khác đã làm cho nguồn cây thuốc tự nhiên ở Việt Nam suy giảm nghiêm trọng. Hiện 144 loài cây thuốc được xếp vào diện quý hiếm cần bảo tồn.

Nhiều loài dược liệu bị khai thác một cách triệt để, thương lái trong và ngoài nước thu mua ồ ạt với khối lượng lớn, liên tục trong nhiều năm qua dẫn đến nguồn dược liệu trong nước nhanh chóng cạn kiệt. Những loài bị thu mua nhiều nhất là lan kim tuyến, vàng đắng, thổ phục linh, bình vôi, hoàng tinh, bảy lá một hoa… Bên cạnh đó, sự mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp cũng là một nguyên nhân dẫn tới việc các loài thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng bị đe dọa tuyệt chủng. Mỗi năm có hàng ngàn ha rừng bị chặt phá để làm nương trồng cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao… Tiếp đó là sự tăng dân số, di dân tự do, đô thị hóa nông thôn khiến cho các loài thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng không còn nơi sinh sống.

PGS.TS. Phạm Thanh Huyền- Trưởng khoa Tài nguyên Dược liệu (Viện Dược liệu) cho biết, hiện nay một số loài cây thuốc thuộc diện bảo tồn, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam vẫn đang bị khai thác quá mức và bán cho các thương lái chuyển qua biên giới theo đường tiểu ngạch.

Chung tay bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý

Để ngăn chặn nhiều loại cây dược liệu khỏi nguy cơ tuyệt chủng, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, rất cần sự chung tay bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm.

Điều tra cây thuốc tại Vườn quốc gia Cát Tiên năm 2018.

Từ năm 1988, Viện Dược liệu – Bộ Y tế đã được Ủy ban KHKT Nhà nước (nay là Bộ KH&CN) giao cho nhiệm vụ là đầu mối thực hiện công tác Bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc Việt Nam, cả về xây dựng hệ thống mạng lưới và công tác bảo tồn, tư liệu hóa… Với mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30.10.2013) và Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 (tại Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015).

PGS.TSKH. Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Dược liệu, cho biết, đến nay, hệ thống mạng lưới bảo tồn nguồn gen dược liệu do Viện Dược liệu làm đầu mối đã lưu giữ và bảo tồn được gần 1.000 loài ở các vùng sinh thái khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều Vườn quốc gia đã tham gia vào công tác bảo tồn nguyên vị một số loài cây thuốc quý: Vườn Quốc gia Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai); Vườn Quốc gia Cát Bà (TP. Hải Phòng); Vườn Quốc gia Pù Mát, Pù Hoạt (tỉnh Nghệ An); Khu BTTN Xuân Liên (Thanh Hóa), Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu BTTN Văn hóa tỉnh Đồng Nai (Đồng Nai)… Tuy vậy, cho đến nay ở Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc Quốc gia.

Xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia Đồng Nai

Sau khi rà soát, đánh giá, các nhà khoa học tại Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã xác định Đồng Nai là nơi có tiềm năng để đầu tư, phát triển thành vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện cho vùng Nam Bộ. Đồng Nai là một trong số ít địa phương còn giữ được diện tích rừng tự nhiên rộng lớn, với hơn 150.000 ha rừng liền mạch, được các tổ chức khoa học trong nước, ngoài nước đánh giá là khu vực quan trọng và rất tiềm năng về giá trị tài nguyên đa dạng sinh học. Trong đó, Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai (BTTNVH) ở huyện Vĩnh Cửu, có diện tích đủ lớn (100.571,9 ha) để xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia.

Khu Bảo tồn thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai cố rất nhiều cây thuốc quý.

Được thành lập từ năm 2004, khu BTTNVH Đồng Nai, có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng miền Nam Bộ, đã được đầu tư xây dựng và quy hoạch thuận lợi để triển khai các hoạt động bảo tồn nguồn gen, do đó, có triển vọng để bảo tồn nguyên vị và bảo tồn chuyển chỗ các loài cây thuốc.

PGS.TSKH. Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Dược liệu, cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện đề tài cấp quốc gia“Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ tại Khu BTTNVH Đồng Nai” (2017 – 2021) do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, đã xác định được 53 loài thuộc diện quý hiếm cần bảo vệ và có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) cần bảo tồn; xây dựng danh mục 264 loài thuộc diện đặc hữu, quý, hiếm và có giá trị kinh tế cần thu thập tại vùng Đông Nam Bộ; thu thập hơn 500 nguồn gen cây thuốc, trong đó có hơn 300 nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế đại diện vùng sinh thái. Đây sẽ là tiền đề để hình thành và phát triển vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc Quốc gia đại diện vùng Nam Bộ. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và Bộ Y tế đã giao cho Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai phối hợp với Viện Dược liệu xây dựng dự án tiền khả thi để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia tại Đồng Nai góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các loài cây dược liệu trên địa bàn Đồng Nai nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung. Đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư tại địa phương, tạo ra một địa điểm du lịch sinh thái kết hợp với du lịch thám hiểm rừng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.