Quốc gia đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã đề xuất lùi ngày diễn ra hội nghị sang tháng 11 năm sau.
Hãng tin Reuters trích dẫn một bức thư của Văn phòng Nội các Anh gửi đến Liên hợp quốc cho biết, Chính phủ Anh đã đề xuất dời ngày diễn ra COP26 từ ngày 1 – 12/11/2021.
Trước đó, COP26 dự kiến diễn ra từ ngày 9 – 19/11 tại thành phố Glasgow thuộc Scotland (Anh).
Tuy nhiên, Chủ tịch COP26 Alok Sharma hồi đầu tháng 4 vừa qua cho biết các cuộc đàm phán bị hoãn lại vì các quốc gia cần tập trung ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 vốn đã khiến hàng triệu người trên toàn thế giới nhiễm bệnh.
Trên trang Twitter, ông Sharma cho rằng thế giới đang phải đối mặt với “một thách thức toàn cầu chưa từng có” và các quốc gia đang tập trung mọi nguồn lực cho cuộc chiến chống lại đại dịch này. Vì thế, COP26 đã bị hoãn lại.
Hiện, nhóm truyền thông cho COP26 tại Văn phòng Nội các Anh chưa đưa ra phản hồi về thông tin này của Reuters.
Theo hãng tin Anh, trong bức thư của Văn phòng Nội các Anh không đề cập đến việc tiếp tục lựa chọn thành phố Glasgow làm nơi diễn ra hội nghị cũng như việc dời lịch tổ chức COP26 sang năm sau có đồng nghĩa với việc trì hoãn tổ chức COP27 hay không.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) trước đó dự kiến sẽ diễn ra ở châu Phi vào cuối năm 2021.
Theo Hãng tin Reuters, cơ quan phụ trách khí hậu của Liên hợp quốc sẽ họp vào ngày mai (28/5) để thảo luận về đề xuất này của Anh.
Hội nghị COP26 từng được dự kiến sẽ đón khoảng 30.000 đại biểu, bao gồm 200 nhà lãnh đạo thế giới, các chuyên gia và các nhà vận động chống biến đổi khí hậu, đến thảo luận những vấn đề quan trọng nhằm ngăn chặn sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Quyết định hoãn COP26 từng vấp phải nhiều sự phản đối. Một số tổ chức môi trường cho rằng, biến đổi khí hậu cũng là cuộc khủng hoảng toàn cầu. Hoãn hội nghị cũng gần như đồng nghĩa với việc có thêm các cam kết cắt giảm mạnh khí thải trong Hiệp định Paris sẽ bị trì hoãn đến năm sau.
Giới khoa học từng nhiều lần yêu cầu lãnh đạo thế giới phải quyết liệt hơn nữa trong giải quyết khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, bất chấp vô số thỏa thuận quốc tế, các chính phủ vẫn chậm chạp trong hành động giảm khí thải.