Liên quan đến vụ việc đổ trộm rác thải điện tử độc hại xảy ra trên địa bàn thôn Yên Thịnh (xã Bình Dương, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), trao đổi với Lao Động, PGS. TS. Phùng Chí Sỹ nhận định, rác thải điện tử khi đốt cùng các rác thải nhựa không được kiểm soát và xử lý có thể tạo ra Dioxin.
Cụ thể, PGS. TS. Phùng Chí Sỹ – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, rác thải điện tử có chứa một loạt những kim loại nặng như chì, thủy ngân, thiếc, sắt, đồng,… và những khí thải độc hại như CO, kèm theo các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như VOCs.
Do đó, khi đốt lên rất nhiều hợp chất độc hại sẽ được tạo thành. Thậm chí trong điều kiện đốt cùng các rác thải nhựa không được kiểm soát và xử lý có thể tạo ra Dioxin cực kỳ nguy hiểm.
“Trong các loại màn hình tivi, máy tính có bột huỳnh quang được liệt vào chất thải nguy hại. Cộng thêm có thủy ngân khi đốt sẽ tạo ra những hợp chất bay vào không khí ảnh hưởng đến môi trường”, ông Sỹ lý giải.
Nêu quan điểm trước thực trạng đổ trộm và đốt rác thải điện tử tại địa bàn thôn Yên Thịnh trong thời gian vừa qua, PGS. TS. Phùng Chí Sỹ cho rằng, một khi đã đốt chất thải điện tử không được xử lý sẽ ảnh hưởng đến môi trường không khí, đất, nguồn nước nghiêm trọng.
“Nếu bị tiếp xúc lâu dài với lượng lớn chất thải độc hại từ đồ điện tử sẽ dẫn đến các bệnh như ung thư, thậm chí sẽ gây đột biến về di truyền, sinh đẻ khó”, ông Sỹ khẳng định.
Cũng theo ông Sỹ, chất thải điện tử hiện nay tại Việt Nam đang được liệt vào chất thải nguy hại và có quy định quản lý, xử lý rất chặt chẽ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc đốt rác thải điện tử không qua xử lý là trái quy định của Bộ đưa ra.
Trước đó, như Lao Động đã phản ánh, khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân tại thôn Yên Thịnh (xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) phải sống trong cảnh ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ núi rác thải điện tử bị đổ trộm xuống ruộng đồng, mương nước tưới tiêu.
Ngay sau khi nắm được vụ việc, UBND huyện Vĩnh Tường đã ra văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND xã Bình Dương kiểm tra, làm rõ thông tin, đồng thời báo cáo bằng văn bản trước ngày 29.5 về thực trạng, khó khăn, vướng mắc và hướng xử lý, giải quyết vụ việc báo nêu.
Bên cạnh đó, UBND huyện Vĩnh Tường giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị kiểm tra, làm rõ thông tin vụ việc.
UBND huyện Vĩnh Tường đề nghị Công an huyện phối hợp với phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh điều tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường.
Một loạt bệnh nguy hại khi phơi nhiễm với Dioxin theo liệt kê của Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam: Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính, mạn tính và bán cấp tính, chứng ban clor, tiểu đường type 2, ung thư gan, chuyển hóa lipid, sinh sản bất thường và dị tật bẩm sinh như hở môi và hở vòm miệng, dị dạng bẩm sinh ở chân, tràn dịch não, khuyết tật ống thần kinh, tật dính ngón (ngón chân/ta bị dính lại), dị tật cơ bắp và bệnh bại liệt; và một số khuyết tật phát triển khác. |