Thời gian qua, tỉnh Sơn La luôn là 1 “điểm nóng” về trộm cắp khoáng sản. Dưới sông Đà, sông Mã thì cát tặc ồ ạt hút, nạo. Trên núi, trên đồi thì trộm cắp than, đào bới núi làm mỏ đá. Có những mỏ đá như mỏ của nhóm Dũng “trọc”, mỏ cấp phía trong, nhưng cả một vạt núi phía trước bị xúc sạch mà không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Kể từ số báo này, nhóm Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ đăng loạt bài phản ánh về những tình trạng khai thác khoáng sản trá hình suốt nhiều năm qua.
Bài 1: Xe tải “đại náo” Vườn Đào
Ngày cũng như đêm, đoàn xe tải chở cát sạn từ bản Thuông Cuông, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ cứ “nườm nượp” chạy qua tiểu khu Vườn Đào, lao như tên bắn về thị trấn nông trường Mộc Châu để tập kết, tiêu thụ “đất tặc”, “cát tặc” đã đục tung cả quả đồi, trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Bất lực trước nạn xe tải chở sạn, cát
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn T, nhà ở tiểu khu Vườn Đào, Thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu bất bình cho biết: Suốt mấy năm qua, chúng tôi quá bức xúc trước vấn nạn xe tải chở sạn đi qua tiểu khu dân xóm của chúng tôi. Ngày cũng như đêm, xe tải loại 6 khối cứ chạy rầm rầm. Các loại cát, sạn từ mỏ đồi của bản Thuông Cuông được các đầu nậu khai thác, cứ ồ ạt chạy ra. Họ chẳng sợ ai, cũng chẳng có nước tưới hay che bụi. Các loại Howo, Sinotrack, hay Hoa Mai loại từ 6 – 8 tấn cứ chạy rầm rập. Bà con dân bản bức xúc, đi họp có ý kiến lên lãnh đạo thị trấn nông trường Mộc Châu. Rồi họ cũng hứa hẹn, ậm ừ… nhưng xong lại thôi, đâu lại vào đó. Tuyệt nhiên, không bao giờ thấy bất kể bóng dáng 1 đội thanh tra giao thông hay cảnh sát giao thông nào chặn bắt những chiếc xe này cả. Mặc dù, thấy họ “lượn lờ” ngoài đường QL6 rất nhiều. Hậu quả, tuyến đường này giờ đã xuống cấp trầm trọng và tai họa. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần chặn đứng vấn nạn này, trước khi quá muộn. anh T bức xúc cho biết.
Cũng trong sự bức xúc về vấn nạn xe tải, chở cát sạn, ông Trần Thế Việt, Trưởng khu Vườn Đào rất lo ngại trước vấn nạn về vấn đề con đường dân sinh, tuổi thọ của con đường này sẽ ra sao, khi ngày ngày xe chạy rầm rập qua đây. Đã có nhiều lần, tiểu khu phải “đóng ba-ri-e”, Nhưng sau, lại phải mở vì mình không có quyền cấm đường. Nhưng cứ mở, xe từ các điểm mỏ lại chạy ra vèo vèo. Nhiều chiếc xe còn không che đậy, ông phải chặn xe, nhắc lái xe phải đậy bạt, khi đi qua khu dân cư.
Trong những ngày điều tra trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La, phóng viên Báo TN&MT “mục sở thị” tại tiểu khu Vườn Đào cho thấy: những phản ánh của người dân địa phương là có cơ sở. Cận cảnh ghi hình trong vòng vài tiếng đồng hồ mà phóng viên thấy đoàn xe tải cứ kìn kìn chở cát, sạn ngược xuôi lao ra. Bất chấp mọi lúc dù cao điểm như học sinh đi lại, các xe tải này vẫn hồng hộc lao ra. Nhiều lúc, thấy đông người đi xe máy, hay trẻ em đi xe đạp trong con đường làng này, thì những chiếc xe này lại bấm còi ầm ĩ, làm đinh tai nhức óc của người dân. Nhiều người dân gọi những chiếc xe này là “hung thần” của khu Vườn Đào.
Trách nhiệm của UBND huyện ở đâu?
Trao đổi với Phóng viên Trưởng bản Thuông Cuông anh Dừ A Cô cho biết: Đúng là trên địa bàn của bản Thuông Cuông có 2 điểm mỏ ở ngay đầu làng. Anh cũng không rõ ai đang khai thác, nhưng họ cứ xúc suốt 1 thời gian rồi. Cấm một thời gian, lại thấy họ xúc. Đất đá khai thác vương vãi hết cả ra, bà con đi lại rất khó khăn, phải tránh các anh ấy suốt, dân bản có ý kiến nhiều, nhưng đâu vẫn vào đó.
Để rộng đường dư luận, Phóng viên đã đến UBND xã Vân Hồ, một lãnh đạo xã cho biết: hiện trạng thực tế về tình trạng trên là có thật. UBND xã đã nhiều lần phối hợp cùng huyện xuống điểm mỏ này và lập biên bản, nhưng do địa hình xa xôi, nên cứ đi khỏi, họ lại đào xới…
Qua điều tra, Phóng viên được biết, đầu nậu đang tổ chức khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn bản Thuông Cuông là Ngô Văn Trường, hiện trú tại tiểu khu 66, TT Nông trường Mộc Châu. Ngoài Trường ra, còn có 2 người khác là Hưng và Cường, cũng đang vận hành máy xúc, khai thác cát sạn ở đó chở ra bán ngoài thị trấn nông trường Mộc Châu để nghiền và tố chức tiêu thụ.
“Phân bua” với phóng viên về vấn nạn này, lãnh đạo xã Vân Hồ “than vãn”, có 1 thực tế là cấp UBND xã thẩm quyền chỉ có hạn, chỉ có thể xuống lập biên bản, chứ muốn thu giữ máy móc, dàn sàng… là rất khó. Mỗi lần như vậy, chỉ biết báo cáo lên UBND huyện Vân Hồ chờ lệnh. Nhưng cũng khó khăn lắm, vị lãnh đạo xã ái ngại kể…
Nhận định về tình trạng khai thác khoáng sản trên, Luật sư Thu Phương, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: Căn cứ theo Luật Khoáng sản và các Nghị định của Chính phủ về vấn đề bảo vệ khoáng sản và xử lý vi phạm, thì trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ. Cụ thể ở đây là ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch huyện Vân Hồ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về vấn đề khai thác khoáng sản lậu.
Như vậy, dư luận đặt ra dấu hỏi, có hay không việc “bảo kê” cho tình trạng khai thác khoáng sản lậu trên địa bàn huyện Vân Hồ? Trách nhiệm của lực lượng công an huyện, phòng TNMT huyện Vân Hồ ở đâu?
Bài 2: Mỏ Cường Lý “đục khoét” đất đồi trại 8