Thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác thủy sản bất hợp pháp,không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Bình Định đã thành lập 4 tổ công tác phối hợp: 2 tổ trên bờ và 2 tổ trên biển.
Được biết, các tổ công tác phối hợp được triển khai hoạt động từ đầu tháng 5 đến nay đã kiểm tra, kiểm soát tổng cộng 901 lượt phương tiện tàu cá ra vào cửa biển và cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi phát hiện 32 trường hợp vi phạm, đã xử phạt vi phạm hành chính 31 trường hợp, phạt tiền tổng cộng 89 triệu đồng. Đối với 1 trường hợp tàu cá tàng trữ kích điện, hiện Chi cục Thủy sản đang tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
Qua kiểm tra, các tổ công tác cũng đã phát hiện, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của một số tàu cá, như: Không có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng theo quy định; không thông báo cho BQL cảng cá khi cập bến trước 1 giờ; thuyền viên tàu cá không mang theo giấy tờ tùy thân hoặc không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên; ghi số đăng ký tàu cá không đúng quy định; không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra; vượt trạm kiểm soát biên phòng.
Ông Võ Đình Tâm- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, đã tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và cấp phép ban đầu cho nhiều tàu cá có chiều dài trên 15m, đạt 97%. Số tàu còn lại chưa lắp đặt thiết bị, đã có quyết định rút giấy phép hoạt động của toàn bộ số tàu này từ ngày 10/5/2020, đồng thời thông báo cho tất cả các đồn biên phòng, cảng cá các tỉnh về thông tin của các tàu trên.
Theo đánh giá từ các tổ công tác, đến nay các tàu cá được kiểm tra, kiểm soát đã chấp hành tương đối đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản bao gồm: các quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá, đánh dấu tàu cá. Các tàu cá thuộc diện phải có thiết bị giám sát hành trình đều đã được lắp đặt theo quy định.
Chống khai thác bất hợp pháp IUU là nhiệm vụ quan trọng không chỉ riêng tỉnh Bình Định mà của cả nước cùng thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản 2017, sớm tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ, cần sự chung tay quyết liệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương cũng như sự đồng tình ủng hộ và tự giác chấp hành của các doanh nghiệp thủy sản và ngư dân trên cả nước.