Bức thư yêu cầu chính phủ các nước khi đưa ra các gói kích thích kinh tế sau Covid-19 phải ưu tiên đầu tư vào y tế công cộng, đảm bảo không khí sạch, nước sạch và khí hậu ổn định.
Hôm nay, 26/5, hơn 200 hiệp hội và nhóm y tế đại diện cho hơn 40 triệu bác sĩ, y tá và chuyên gia y tế từ 90 quốc gia, đã cùng gửi đi một lá thư chung đến các lãnh đạo G20. Đây là cuộc vận động cộng đồng lớn nhất thế giới kể từ hoạt động chuẩn bị trước thềm thỏa thuận khí hậu Paris 2015.
Bức thư yêu cầu chính phủ các nước khi đưa ra các gói kích thích kinh tế phải ưu tiên đầu tư vào y tế công cộng, đảm bảo không khí sạch, nước sạch và khí hậu ổn định.
Những khoản đầu tư này, như bức thư lý giải, sẽ giúp hạn chế những yếu tố gây tổn hại sức khỏe con người và giúp tăng cường năng lực phục hồi sau các đại dịch trong tương lai, đồng thời tạo ra nhiều việc làm bền vững hơn. Bức thư cũng yêu cầu lãnh đạo các nước G20 phải để cho cộng đồng y tế và khoa học tham gia vào quá trình xây dựng các gói kích thích kinh tế.
Bức thư nêu rõ các tác động nặng nề của Covid-19 lên hệ thống y tế công cộng và đội ngũ y bác sĩ đáng lẽ có thể được giảm thiểu, nếu có những đầu tư thích đáng từ trước vào công tác phòng chống đại dịch, y tế công cộng và quản lý môi trường.
Thông điệp chung đưa ra là các nước phải giảm thiểu cả ô nhiễm không khí – vốn làm suy yếu phổi, tim và các cơ quan khác trong cơ thể, và khí thải nhà kính – có góp phần gây ra hạn hán, hiện tượng nóng cực đoan, lũ lụt, cháy rừng và những căng thẳng môi trường. Chính phủ các nước cần ưu tiên đầu tư vào các ngành công nghiệp bền vững, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tái sinh cây xanh và thiên nhiên trên diện rộng, thúc đẩy chuỗi cung ứng thực phẩm lành mạnh, cải thiện hệ thống y tế…
“Ô nhiễm không khí và nguồn nước làm hao mòn năng lực kháng cự của chúng ta trước virus,” Giáo sư K Srinath Reddy, Chủ tịch, Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ, nói. “Đây là một bài học cơ bản nhất trong những bài học về sức khỏe môi trường và cũng là kinh nghiệm nhắc nhở để chúng ta sáng suốt hơn khi tái định hình tương lai.”
“Chúng ta cần hiểu rằng sức khỏe của con người, sức khỏe của nền kinh tế và sức khỏe của hành tinh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau,”Jeni Miller, Giám đốc điều hành, Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu (GCHA), cho biết. “Chính phủ các nước phải luôn nhận thức rõ về những mối liên hệ then chốt này và họ không được để cho áp lực từ phía các doanh nghiệp làm suy yếu các tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đây không phải là lúc quay trở lại với mô hình kinh doanh cũ.”
Nguồn: Media Climate Net