Phát hiện loài báo tuyết hiếm gặp “dạo chơi” gần thành phố Almaty, Kazakhstan

Một số con báo tuyết – gồm một báo mẹ cùng đàn con của nó – đã được phát hiện gần thành phố Almaty của Kazakhstan khi chúng đang “đi dạo” tại một đoạn đường mòn dành cho người đi bộ nổi tiếng – nơi đang bị cấm hoạt động theo lệnh phong tỏa nhằm cắt đứt chuỗi lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Một số con báo tuyết đã được phát hiện gần thành phố Almaty của Kazakhstan. Ảnh: reuters.com

Theo ước tính, hiện ở Kazakhstan, chỉ còn khoảng 150 con báo tuyết sinh tồn, trong tổng số chưa tới 10.000 con báo tuyết sống rải rác trên khắp khu vực Trung và Nam Á. Báo tuyết có tên trong Sách Đỏ về những loài vật có nguy cơ tuyệt chủng của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Việc bắt gặp báo tuyết trong thành phố là một sự kiện vô cùng đặc biệt do ngay cả trong thế giới hoang dã, con người cũng rất hiếm khi quan sát được loài vật này.

Tuy nhiên, trong vài tuần qua, người ta đã ghi lại được hình ảnh của ít nhất 3 con báo – trong đó có một con đực đơn độc và một con cái đi cùng báo con – thông qua một máy quay bí mật được trang bị cảm biến chuyển động. Chiếc máy quay này được một tổ chức phi chính phủ lắp đặt gần hồ Big Almaty với mục đích bảo vệ loài vật này.

Nhà nghiên cứu động vật Alexey Grachyov thuộc quỹ Bảo tồn Báo tuyết cho biết hiện chỉ còn khoảng 20 con báo tuyết sống tại vùng núi gần thành phố Almaty, do đó việc quan sát được loài vật này là vô cùng hiếm có.

Báo tuyết có bộ lông màu xám hoặc trắng với những đốm đen và cái đuôi rậm rạp. Chúng sinh sống rải rác trên một khu vực rộng lớn, bao gồm các vùng núi của Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, Nepal, Pakistan và Afghanistan. Theo ông Grachyov, người ta thường cho rằng báo tuyết chỉ sống ở khu vực có độ cao lớn. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm, do trên thực tế loài vật này sống khá gần con người.

Nhà nghiên cứu động vật Alexey Grachyov cho biết quỹ Bảo tồn Báo tuyết đang lên kế hoạch dài hạn xây dựng lại quần thể báo tuyết bằng cách nhân giống và thả chúng về cuộc sống hoang dã tự nhiên