Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về hiện tượng người Trung Quốc sở hữu, “núp bóng” sở hữu nhiều lô đất ở vị trí đắc địa, trọng yếu ở TP. Đà Nẵng.
Cụ thể, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Luật Đất đai 2013 quy định không cho phép cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài. Ông Hà nhấn mạnh, đây là luật chặt chẽ nhất về vấn đề liên quan đến đất đai.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, còn Luật Đất đai không quy định về cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.
Vị Bộ trưởng cũng cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã có văn bản trở lời về báo cáo mà Bộ Quốc phòng nêu ra trước đó, nếu dư luận vẫn quan tâm, ông sẽ trả lời bằng văn bản.
Trong khi đó, cũng trả lời bên hành lang Quốc hội sáng nay, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ KĐ&ĐT cho biết việc người Trung Quốc “núp bóng” doanh nghiệp Việt để thu mua đất ở các khu vực có tính trọng yếu về Quốc phòng là vấn đề địa phương phải quản lý.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng phải kiểm soát, thẩm định chặt chẽ đầu tư nước ngoài có liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, theo ông Dũng, về phía dự thảo luật Đầu tư sẽ thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt thành phần nước này nước kia.
Trước đó, gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, nhiều cử tri bày tỏ quan ngại về tình trạng người nước ngoài nhập cảnh đầu tư, kinh doanh và bằng nhiều cách để sở hữu đất đai các khu vực trọng yếu quốc phòng, an ninh.
Theo đó, Bộ Quốc phòng đã có báo cáo trả lời cử tri về hiện tượng tượng này. Theo báo cáo, Bộ Quốc phòng cho biết có 149 doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư núp bóng danh nghĩa doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, nuôi trồng, chế biến, thu mua hải sản nhưng lại được điều hành, quản lý do người Trung Quốc đảm nhiệm.
Bộ Quốc phòng khẳng định việc quan ngại của các cử tri về vấn đề này là hoàn toàn có cơ sở, các sai phạm trên xuất phát từ lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư năm 2014 về “việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp” và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS., KTS. Đào Ngọc Nghiêm, để đảm bảo tính độc lập, quyền của người có quốc tịch Việt Nam và an ninh quốc phòng đã đến lúc tính đến việc điều chỉnh Luật. Phải có giải pháp giảm tình trạng cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài sở hữu các BĐS “đắc địa” và có vị trí chiến lược, đặc biệt là tại các tỉnh thành dọc biên giới hoặc ven biển.
Bên cạnh đó, phải thể chế hóa các quy định liên quan đến việc cá nhân nước ngoài và các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài sở hữu BĐS bằng cách trong các quy hoạch có thể xác định rõ các khu vực mà dự án đầu tư xây dựng được phép hoặc không có yếu tố nước ngoài.
Đồng quan điểm trên, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp mới đây, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT cho biết hiện chưa có quy định quản lý việc nhà đầu tư nước ngoài liên doanh, tăng vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước để sở hữu đất đai các dự án.
Đại diện này cho rằng thời gian tới cần phân định rõ nhà đầu tư sở hữu đa số cổ phần doanh nghiệp có được mở rộng hay thu hẹp mô hình doanh nghiệp không, nếu họ được quyền này đương nhiên liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Để khắc phục tình trạng người Trung Quốc lách luật mua đất, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang dự thảo Luật đầu tư sửa đổi theo hướng bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp có quyền sử dụng đất ở khu vực biên giới, hải đảo và các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia thì phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư cấp tỉnh.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký việc thực hiện góp vốn để cơ quan đăng ký đầu tư xem xét các điều kiện, thủ tục góp vốn có đáp ứng yêu cầu hay không. Kể cả trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại các khu vực này thời gian tới đều phải lấy ý kiến và được sự đồng ý của các bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao.