Chuyện Môi trườngPhóng sự ảnh Hạn kinh hoàng, người Gia Lai mót từng giọt nước đục ngầu từ hố trũng về ăn 26/05/2020 FacebookTwitterPinterestWhatsApp Hàng trăm hộ sử dụng chung một nguồn nước, dân mót nước đục ngầu từ hố trũng về ăn đang là thực trạng diễn ra tại nhiều vùng sâu thuộc tỉnh Gia Lai. Nắng hạn kéo dài khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân bị thiếu hụt nghiêm trọng. Cả tháng nay, người dân ở xã thuộc huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đều phải xách chai, can nhựa ra các điểm lấy nước cách xa nhà hàng chục cây số lấy nước về sinh hoạt. Vì quá nhiều người lấy nước trong ngày nên nguồn nước ở các điểm ngày càng cạn kiệt, từ đó người dân phải chia nhau ra lấy theo từng đợt. Bà con tận dụng hết những chai, can nhựa trong nhà để tới hứng nước về sử dụng tiết kiệm qua ngày. Nhiều em nhỏ cũng theo cha mẹ tới các điểm lấy để phụ gánh nước về sử dụng. Khi nguồn nước ở các điểm làng và các con suối cũng cạn kiệt, bà con xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) phải tới các hỗ trũng để mót số nước ít ỏi còn lại về sử dụng dần. Dù biết nguồn nước ở các hố trũng không được đảm bảo vệ sinh, nhiều người vẫn buộc phải sử dụng vì không còn cách nào khác. Trước tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, gần một tuần nay, tại huyện Đức Cơ, Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) đã cho xe chở nước đến các điểm làng để cung cấp nước dùng hàng ngày cho bà con. Tuy lượng nước không nhiều nhưng phần nào cũng giúp người dân chống chọi qua đợt hạn. Bà Siu Blem (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) cho hay: “Nhà tôi có tất cả 3 cái giếng, từ trước đến nay chưa bao giờ thiếu nước vào mùa khô. Năm nay, tất cả các giếng đều khô cạn, gia đình phải đi rất xa để chở nước về dùng. May mà có nước hỗ trợ của Binh Đoàn 15, tuy nhiên lượng nước vẫn không đủ dùng, giờ chúng tôi chỉ mong mưa tới mau mau thôi”. Ông Trịnh Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: “UBND huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường vận động nhân dân nạo vét giếng, giọt nước, mua sắm các dụng cụ chứa để khắc phục thiếu nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, huyện sẽ làm việc với các công ty và doanh nghiệp tại địa phương để hỗ trợ người dân, kiên quyết không để người dân phải đi mua nước về dùng, đặc biệt đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo”. Không những thiếu nước sinh hoạt mà trước tình hình nắng nóng kéo dài, hàng nghìn ha cây trồng ở Gia Lai cũng chết khô vì không có nước tưới, nhiều diện tích người dân đành phải chặt bỏ. Anh Nguyễn Bá Huấn (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) rầu rĩ: “Rẫy cà phê hơn 1 ha của gia đình tái canh cách đây được 3 năm, hiện đang trong giai đoạn thu bói. Do nắng nóng kéo dài, những con suối quanh đây đều khô cạn, các giếng khoan cũng hết nước nên không thể tưới cho cây trồng. Giờ cây khô lá, chết cháy nên đành phải chặt bỏ. Ước tính thiệt hại của gia đình tôi trong đợt hạn này hơn 120 triệu đồng”. Tương tự, tại huyện Ia Grai, hàng trăm ha cây cà phê của người dân cũng đang đứng trước nguy cơ chị chặt bỏ. Người dân đã tìm mọi cách từ đào giếng đến giếng khoan, kéo ống từ suối tít xa về lấy nước tưới nhưng chưa được bao nhiêu thì hồ đã trơ đáy. Nhìn hơn 2,5 ha cây cà phê của gia đình đang ngày càng chết héo, anh Phan Đình Tĩnh (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) thở dài: “Rẫy cà phê này năm ngoái gia đình tôi thu hơn 250 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, giờ sắp phải chặt bỏ thấy xót lắm. Mọi năm cũng thiếu nước nhưng không tới mức cạn kiệt như năm nay, dân ở đây thì nghèo, giờ lại gặp tình cảnh này cũng không biết làm sao nữa”. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tính đến 15/5, toàn tỉnh có 12 huyện, thị xã, thành phố gồm: Đak Đoa, Chư Pah, Mang Yang, Chư Sê, Kbang, Đak Pơ, Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ, thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và TP. Pleiku có cây trồng bị thiệt hại do hạn hán với diện tích 2.875,97ha. Trong đó, 1.209,54ha bị thiệt hại trên 70%, 1.495,94ha thiệt hại từ 30-70% và 170,49ha thiệt hại dưới 30%, ước tổng thiệt hại trên 53,2 tỷ đồng. Nguồn: Hiền Mai/VTC News Bài liên quan: Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam Gần 5.000 m2 rừng phòng hộ tại Bình Định bị đốn hạ, ai chịu trách nhiệm? Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ Thúc đẩy các giải pháp hạn chế thay đổi dòng chảy sông Mê Kông Xu hướng áp dụng thuế carbon và bài học cho Việt Nam TỌA ĐÀM: Nhìn lại 2021 – Những chuyển hướng chiến lược Gia Lai: Từng vạt rừng tự nhiên tiếp tục bị “phá trắng” ở Mang Yang Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để ngăn chặn gỗ bất hợp pháp Chuyển nhượng carbon rừng: Thách thức và khuyến nghị