Cưỡi voi – loại hình du lịch bóc lột sức động vật và chứa nhiều rủi ro cho du khách lẫn người quản tượng đã đến lúc cần phải bị loại bỏ. Sau vụ voi nhà quật chết nài voi tại Đắk Lắk, cơ quan chức năng mới liệt kê hàng loạt bất cập trong công tác quản lý loại hình du lịch này…
Ráo riết kiểm tra sau sự cố chết người
Sau sự cố người quản tượng bị voi nhà quật chết tại thị trấn Liên Sơn ở huyện Lắk (Báo Lao Động đã có bài phản ánh), ông Võ Ngọc Tuyên – Bí thư huyện Lắk cho biết, đã chỉ đạo công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện nhanh chóng điều tra, xác minh nguyên dẫn đến hành vi kỳ lạ của con voi nhà, đồng thời làm rõ trách nhiệm của chủ voi khi để xảy ra sự cố. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk (Sở VHTTDL) cũng đã ra công văn siết chặt, chấn chỉnh các hoạt động khai thác du lịch có sử dụng voi trên địa bàn tỉnh. Theo Sở VHTTDL, khí hậu trên địa bàn đang trong giai đoạn nắng nóng, dự báo sẽ có những thay đổi bất thường. Đây cũng là thời điểm voi nhà đang trong thời kỳ động dục nên tính cách bất thường dễ gây nguy hiểm cho nài voi, du khách và người dân.
Sở VHTTDL yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch có cung cấp dịch vụ voi cần thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ tính mạng của du khách; hướng dẫn, cảnh báo cho khách tuân thủ các quy tắc khi tiếp xúc với voi, để sử dụng dịch vụ an toàn; phân bố thời gian hợp lý hoạt động của voi, không được khai thác quá mức, đảm bảo thời gian cho voi được nghỉ ngơi; phối hợp với các chủ voi, nài voi, cơ quan liên quan khác nắm bắt tâm lý của voi nhà trong từng thời kỳ để hướng dẫn, cảnh báo cho du khách, người dân.
Tính toán hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho các chủ voi
Sau sự cố voi nhà quật chết nài voi, một trong những vấn đề dư luận quan tâm hiện nay chính là loại hình du lịch cưỡi voi liệu có đảm bảo an toàn. Đó là chưa kể, 43 con voi nhà cuối cùng ở Đắk Lắk nhiều năm nay bị bắt làm du lịch nên không có không gian để sinh sản. Có nhiều ý kiến cho rằng, thay vì bắt voi làm du lịch kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” như hiện nay, Đắk Lắk có thể lấy ý kiến để đưa ra một loại hình du lịch phù hợp, làm du lịch bền vững theo hướng vừa bảo tồn, phát triển đàn voi nhà vừa tạo công ăn việc làm cho chủ voi.
Dưới góc độ quản lý du lịch, ông Nguyễn Sơn Hưng – Trưởng Phòng Quản lý du lịch thuộc Sở VHTTDL Đắk Lắk cho biết, trước đây các chủ voi có đề nghị các công ty bảo hiểm bán bảo hiểm đối với loại hình du lịch cưỡi voi nhưng bị từ chối. Điều này được hiểu, du khách mua một tour đi nhiều điểm trong đó có điểm đến Đắk Lắk – cưỡi voi sẽ được các công ty du lịch mua bảo hiểm trọn gói. Còn đối với các du khách đi lẻ, theo dạng gia đình… nếu chẳng may xảy ra sự cố khi cưỡi voi khó có thể đòi hỏi về quyền lợi.
Có một thời gian, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh con voi ốm yếu tựa lưng vào vách núi. Trên lưng con voi tội nghiệp là 1 vị khách nước ngoài mặc quần cộc, mặt cười hào hứng. Ngay lập tức, dư luận trên các trang mạng xã hội đồng loạt lên án gay gắt việc vắt sức voi làm du lịch. Phần lớn những người yêu động vật phản đối vì cho rằng, loại hình du lịch cưỡi voi là bóc lột, lạm dụng với động vật hoang dã… Đây cũng là một trong lý do vào năm 2018, Tổ chức Động vật Châu Á đã tài trợ 65.000 USD cho Vườn Quốc gia Yok Đôn để triển khai mô hình thả 3 con voi về với tự nhiên. Thay vì bắt voi làm du lịch, Tổ chức Động vật Châu Á đề xuất các tỉnh Tây Nguyên đưa voi trở lại rừng để chúng tự do đi lại, kiếm ăn và khai thác du lịch thông qua việc quan sát, tìm hiểu cuộc sống của voi trong môi trường thiên nhiên hoang dã.
“Việc tổ chức quốc tế tài trợ đưa voi về với tự nhiên là phù hợp với xu hướng. Tuy nhiên, họ chỉ tài trợ cho 3 con voi, thế những con voi còn lại ở Đắk Lắk thì sao? Chúng ta phải biết chủ voi nhiều năm qua sống nhờ vào hoạt động du lịch cưỡi voi. Giờ để xuất ngừng hoạt động cưỡi voi thì phải tính toán như thế nào để hỗ trợ hoặc tạo công ăn việc làm cho các chủ voi. Đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn đặt ra” – ông Nguyễn Sơn Hưng – Trưởng Phòng Quản lý du lịch – chia sẻ.