Tính tới 6h ngày 26/5, theo thống kê của Worldometers, số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã vượt 5,5 triệu người.
Cụ thể, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu tăng thêm 86.920, trong đó có 2.999 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới lên 5.581.003 ca, trong đó có 347.516 người tử vong và 2.360.742 người bình phục.
* Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số người mắc bệnh và tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 18.976 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 472 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 1.705.412 với 99.772 người thiệt mạng và 462.257 người bình phục.
* Ngày 25/5, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ Michael Ryan cảnh báo, các quốc gia đang chứng kiến diễn biến dịch Covid-19 thuyên giảm vẫn có thể phải đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức” nếu dỡ bỏ quá sớm những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Phát biểu họp báo trực tuyến, ông Ryan khẳng định, thế giới vẫn đang ở trong làn sóng đầu tiên của sự bùng phát SARS-CoV-2. Mặc dù số ca bệnh đang giảm ở nhiều quốc gia, song tình trạng này lại gia tăng ở các khu vực Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi.
Theo Tiến sĩ Ryan, các dịch bệnh thường diễn biến thành nhiều làn sóng. Do đó, một đợt bùng phát mới có thể tái diễn trong năm nay ở các khu vực mà làn sóng đầu tiên đã suy giảm.
Quan chức WHO đánh giá, tỷ lệ lây nhiễm cũng sẽ có cơ hội gia tăng trở lại một cách nhanh chóng hơn nếu các biện pháp ngăn chặn làn sóng đầu tiên bị dỡ bỏ quá sớm.
Cũng theo Tiến sĩ Ryan, các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ nên “tiếp tục thực hiện những biện pháp y tế công cộng và xã hội, những biện pháp giám sát, những biện pháp xét nghiệm và một chiến lược toàn diện để đảm bảo đẩy lùi dịch bệnh thay vì một đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức.
* Ngày 25/5, Chile xác nhận, Bộ trưởng Công trình Công cộng Alfredo Moreno đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và là thành viên đầu tiên trong chính phủ của Tổng thống Sebastián Piñera mắc Covid-19.
Ngoài Bộ trưởng Moreno, 4 thành viên khác của Chính phủ Chile gồm Bộ trưởng Tài chính Ignacio Briones, Chánh văn phòng Chính phủ Felipe Ward, Bộ trưởng Nội vụ Gonzalo Blumel và Bộ trưởng Phát triển Xã hội Sabatián Sichel đã phải tự cách ly sau khi tiếp xúc gần với các thượng nghị sĩ nhiễm SARS-CoV-2.
Cùng ngày, Bộ Y tế Chile thông báo, số ca mắc Covid-19 mới trong vòng 24 giờ qua ở quốc gia Nam Mỹ này đã tăng kỷ lục với 4.895 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 lên 73.997 người, trong đó có 761 trường hợp tử vong (tăng 43 trường hợp).
Tính đến ngày 25/5, Chile đã trở thành vùng dịch lớn thứ ba ở khu vực Mỹ Latinh sau Brazil và Peru.
* Ngày 25/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố có thể mở cửa trở lại các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu vào ngày 15/6 nếu đại dịch Covid-19 vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Quyết định này “sẽ phụ thuộc vào tiến triển trong công tác chống” dịch bệnh.
Cũng theo Thủ tướng Johnson, kể từ ngày 1/6, các khu chợ ngoài trời và các phòng trưng bày xe hơi có thể được phép mở cửa trở lại nếu các cơ sở này đáp ứng các nguyên tắc chỉ đạo phòng, chống Covid-19. Thủ tướng Anh khẳng định: “Có những bước đi thận trọng được cân nhắc kỹ lưỡng trên con đường hướng tới hoạt động tái thiết đất nước”.
Cùng ngày, Chính phủ Anh công bố số liệu cho thấy, số ca tử vong do Covid-19 ở nước này đã tăng thêm 121 trường hợp, hiện là 36.914 người trong tổng số 261.184 người mắc bệnh.
* Ngày 25/5, Cộng hòa Czech bắt đầu giai đoạn cuối của kế hoạch từng bước nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, các nhà hàng và quán cà phê phục vụ trong nhà, quán bar, khách sạn được phép hoạt động trở lại. Các sự kiện tập trung đông người cũng được phép tổ chức với điều kiện số lượng tham gia không quá 300 người.
Bên cạnh đó, quy định bắt buộc đeo khẩu trang cũng được nới lỏng, mọi người chỉ phải đeo khẩu trang tại những khu vực có không gian kín như trên phương tiện giao thông công cộng, bên trong cửa hàng hoặc khi tiếp xúc với người khác ở khoảng cách dưới 2 mét.
Trước đó, ngày 18/5, Czech đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp sau hơn 2 tháng áp dụng trên phạm vi toàn quốc nhằm khống chế sự lây nhiễm của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Chính phủ quốc gia Trung Âu này vẫn tiếp tục duy trì một số biện pháp phòng chống dịch theo Luật bảo vệ sức khỏe công dân.
Tính đến hết ngày 24/5, tại Czech có 8.932 ca mắc Covid-19 trên tổng số 399.896 xét nghiệm, trong đó 315 trường hợp tử vong và 6.063 trường hợp đã bình phục.
* Kết quả cuộc thăm dò dư luận được Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT) công bố ngày 25/5 cho biết, đa số người dân Italy ủng hộ mạnh mẽ lệnh phong tỏa của chính phủ nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Cuộc thăm dò trên, được tiến hành từ ngày 5-21/4 tại giai đoạn đỉnh dịch ở Italy, cho thấy khoảng 91% số người được hỏi ý kiến nói rằng, những hạn chế về đi lại và lao động là “rất có ích”, hoặc “khá có ích” cho việc phòng chống Covid-19. Trong khi đó, chỉ có 9% nhận xét những biện pháp này là “ít hữu ích”, hoặc “không hề hữu ích chút nào”. Có tới 89,5% số người được hỏi ý kiến mô tả các chỉ thị của chính phủ liên quan đến lệnh phong tỏa là “rõ ràng”.
Kết quả thăm dò cũng cho thấy người dân Italy rửa tay trung bình 12 lần mỗi ngày và sử dụng các loại gel sát khuẩn 5 lần/ngày. Bên cạnh đó, họ hầu như không rời khỏi nhà vì bất cứ lý do gì trong đa số khoảng thời gian Italy áp dụng những hạn chế về đi lại. Khoảng 75% số người được hỏi ý kiến cho biết trong thời gian bị phong tỏa, quan hệ của họ với các thành viên trong gia đình là vẫn “tích cực”. Chỉ có 8% mô tả các mối quan hệ này là “tiêu cực”.
Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy đã xác nhận thêm 300 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 ở nước này lên 230.158 người, cao thứ 6 thế giới sau Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Anh và Brazil. Trong khi đó, số ca tử vong do SARS-CoV-2 ở Italy đã tăng thêm 92 người lên 32.877 trường hợp, cao thứ 3 thế giới sau Mỹ và Anh.
* Chính phủ Liên bang Đức dự định tiếp tục kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 5/7 tới nhằm kiềm chế đại dịch Covid-19.
Theo kế hoạch, bên cạnh việc gia hạn các biện pháp hạn chế tiếp xúc cho tới ngày 5/7, Chính phủ cũng sẽ nới lỏng một số hạn chế. Trong số này có việc cho phép không quá 10 người hoặc các thành viên của hai hộ gia đình được gặp nhau ở nơi công cộng hay trong không gian kín.
Ngoài yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m và đeo khẩu trang bắt buộc ở một số điểm công cộng, Chính phủ cũng yêu cầu tôn trọng các quy định về vệ sinh dịch tễ và giữ khoảng cách với các cuộc gặp riêng tư trong các gia đình ở không gian kín. Chính phủ Đức cũng khuyến cáo các cuộc gặp như vậy nên diễn ra ở không gian mở, do nguy cơ lây nhiễm ở đây sẽ ít hơn đáng kể.
Hiện đã có hai bang là Thüringen và Sachsentuyên bố sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế từ ngày 6/6 tới. Kế hoạch này đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ từ nhiều chính trị gia cũng như các bang khác ở Đức, cho rằng hành động như vậy là quá mạo hiểm trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Theo hệ thống liên bang ở Đức, 16 bang có quyền đặt ra những biện pháp và kế hoạch riêng trong nhiều chính sách, không giống như việc tập trung quyền lực chủ yếu vào chính phủ trung ương như ở Anh và Pháp.
Liên quan kế hoạch ứng phó với hậu quả của dịch bệnh, Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức Peter Altmaier dự định đưa ra gói cứu trợ mới để hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô vừa thoát khỏi nguy cơ phá sản do dịch bệnh.
Theo các nguồn tin báo chí, các công ty quy mô vừa với số nhân viên không quá 249 người có thể nhận được tới 50.000 Euro (hơn 54.000 USD)/tháng từ tháng 6-12/2020. Với kế hoạch này, các công ty hoạt động trong mọi lĩnh vực kinh tế có thể nộp đơn xin hỗ trợ, trong đó phải chứng minh doanh số trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua sụt giảm ít nhất 60% so với cùng kỳ năm 2019. Bộ Kinh tế Liên bang ước tính chi phí cho việc hỗ trợ này sẽ lên tới 25 tỷ Euro (hơn 27 tỷ USD) riêng tới tháng 8 tới.
* Ngày 25/5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo ghi nhận 702 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 lên 17.967 người, trong đó có 783 ca tử vong, tăng 19 trường hợp trong 24 giờ qua.
* Theo số liệu thống kê cập nhật đến chiều 25/5, không kể Nam Phi và Ai Cập là 2 quốc gia có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất châu lục, nhiều quốc gia châu Phi còn lại tiếp tục ghi nhận tình trạng gia tăng các ca bệnh mới ở mức 3 con số trong vòng 24 giờ qua, đặc biệt là Algeria, Ghana, Djibouti, Cộng hòa Dân chủ Congo.
Theo Ủy ban giám sát khoa học về sự phát triển của đại dịch Covid-19, tính đến chiều 25/5 (theo giờ địa phương), Algeria ghi nhận thêm 197 ca mắc Covid-19 và 9 trường hợp tử vong, nâng tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 lên 8.503 người, trong đó có 609 trường hợp tử vong. Ngoài ra, Algeria cũng xác nhận thêm 169 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi, nâng tổng số trường hợp được điều trị thành công lên 1.872 người.
Cùng ngày, Sudan cũng ghi nhận thêm 192 ca mắc Covid-19 mới và 19 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 lên 3.820 người, trong đó có 165 ca tử vong. Trong khi đó, Djibouti cũng xác nhận thêm 198 ca mắc Covid-19 mới và 4 ca tử vong.
Ghana thông báo có thêm 125 ca mắc Covid-19 mới, song không ghi nhận thêm trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 lên 6.808 người, trong đó có 32 ca tử vong. Cộng hòa Dân chủ Congo xác nhận 156 ca mắc Covid-19 mới và 4 trường hợp tử vong.
Ngoài các trường hợp trên, nhiều quốc gia châu Phi khác cũng ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới gia tăng ở mức 2 con số như Morocco, Senegal, Somalia và Côte d’Ivoire.
Tại Việt Nam, tính đến 7h ngày 26/5, đã 40 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, số ca mắc bệnh hiện là 326 người, trong đó, 272 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh.
54 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó, 11 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 lần trở lên |