Việc đổ lỗi lẫn nhau về đại dịch Covid-19 đã nhen nhóm lại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đe dọa phá vỡ thỏa thuận “đình chiến” thương mại mong manh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đại dịch đã khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng bấp bênh nghiêm trọng hơn nhiều so với khi hai nước bắt đầu cuộc chiến thương mại từ 2 năm trước. Và cũng không bên nào có thể chịu được thiệt hại khi mà một cuộc chiến thương mại toàn diện khác sẽ gây ra.
Dịch Covid-19 đang đè nặng lên cả 2 quốc gia, khiến các nền kinh tế này rơi vào tình trạng suy thoái sâu nhất trong nhiều thập kỷ và “tàn phá” hàng chục triệu việc làm. Và trong khi Trung Quốc ít nhất đã tuyên bố rằng họ đã vượt qua thời kỳ đen tối nhất của đại dịch, thì thế giới vẫn còn lâu mới phục hồi. Trong bối cảnh đó, sẽ thật điên rồ nếu khơi lại căng thẳng thương mại lúc này. Giới chuyên gia cảnh báo dọa áp thuế cao hơn và tăng cường Chiến tranh Lạnh về công nghệ có thể gây gián đoạn thương mại và đầu tư công nghệ, làm suy yếu đà phục hồi trong năm 2020.
Ngay cả trước khi dịch Covid-19 trở thành đại dịch, thỏa thuận “đình chiến” thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã rất mong manh. Thỏa thuận “giai đoạn một” đạt được hồi tháng 1/2020 chỉ giảm một số thuế quan mà mỗi bên đã áp đối với hàng hóa của nhau, đồng thời cho phép Bắc Kinh tránh thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa trị giá gần 160 tỷ USD. Trung Quốc cũng cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong năm nay và năm tới. Theo các nhà kinh tế của S&P, Trung Quốc sẽ phải tăng nhập khẩu hơn 6% mỗi tháng trong vòng 2 năm tới để tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận. Thay vào đó, nhập khẩu của Mỹ đã giảm 6% trong 4 tháng đầu năm 2020.
Alex Capri, chuyên gia thương mại đang có chuyến thăm các chuyên gia cấp cao tại Đại học Kinh doanh Quốc gia Singapore, nhận định: “Khi nhu cầu của người tiêu dùng giảm trong nền kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh dường như không có khả năng cam kết mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn nữa. Hoặc, nếu thực sự cam kết…, họ sẽ đàm phán lại sau do thiếu cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không có 2 năm tới để tìm hiểu liệu Trung Quốc có tôn trọng thỏa thuận hay không. Ông phải đối mặt với một cuộc bầu cử vào tháng 11 tới”. Theo giới phân tích, đây là một nguyên nhân khiến những tuyên bố của ông Trump đối với Bắc Kinh ngày càng khắc nghiệt.
Đầu tháng này, ông Trump đã ám chỉ rằng Mỹ có thể bổ sung thuế quan đối với Trung Quốc để trừng phạt nước này vì gây ra đại dịch. Chính quyền Mỹ cũng đang có động thái để hạn chế hơn nữa hoạt động giao dịch của Huawei với các công ty Mỹ. Hôm 15/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ muốn ngăn công ty công nghệ Trung Quốc này sản xuất và có được chip bán dẫn sử dụng phần mềm và công nghệ do Mỹ sản xuất – một động thái ngăn cản khả năng Huawei cộng tác với các nhà cung ứng Mỹ. Động thái trên của Washington làm dấy lên mối lo ngại trả đũa nhằm vào các công ty Mỹ. Các công ty Mỹ như Apple (AAPL), Cisco (CSCO) và Boeing (BA) có thể phải đối mặt với những hạn chế kinh doanh ở Trung Quốc.
Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, tranh chấp có thể biến thành một cuộc xung đột không chỉ làm suy yếu sự phục hồi toàn cầu sau Covid-19, mà còn có nguy cơ làm chậm các đổi mới công nghệ quan trọng. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm 3% trong năm nay, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Sự phục hồi là không chắc chắn, và có thể mất nhiều năm. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đầu tháng này đã nhắc lại nguy cơ về một cuộc chiến thương mại.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, các nhà kinh tế và chuyên gia đã cảnh báo rằng mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kìm hãm sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng di động 5G. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen hồi tháng 1/2020 nhận định việc mất khả năng hợp tác về những tiến bộ như vậy sẽ có hại cho thế giới.Một cuộc chiến thương mại khác cũng sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng