Đóng cửa rừng tự nhiên: Bài 1

Bài 1: Rừng được phục hồi và phát triển

Sau 4 năm triển khai thực hiện, việc đóng cửa rừng tự nhiên đã mang lại kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ, đòi hỏi cần có những biện pháp căn cơ và quyết liệt.

Sau Hội nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”, tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk ngày 20/6/2016 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ngày 22/7/2016, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 191/TB-VPCP về việc thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, việc đóng cửa rừng tự nhiên đã mang lại kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ, đòi hỏi cần có những biện pháp căn cơ và quyết liệt, nhằm làm tốt hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững trong những năm tới. TTXVN giới thiệu loạt 5 bài viết “Thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên: Cần giải pháp căn cơ và quyết liệt”.

Bài 1-Rừng được phục hồi và phát triển

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã nhanh chóng triển khai việc đóng cửa rừng tự nhiên tại 58 tỉnh, thành phố có rừng; ban hành 7 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp.

Cán bộ hạt Kiểm lâm huyện Phù Yên (Sơn La) phối hợp với chính quyền, công an và nhân dân xã Gia Phù tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Mặt khác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức 7 hội nghị về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Các địa phương cũng đã ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động của Tỉnh ủy hoặc UBND cấp tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; riêng 5 tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Thông báo số 191.

Nhờ đó tạo nên sự chuyển biến rõ rệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là các cộng đồng xã hội đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Rừng được phục hồi và phát triển

Từ năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn các địa phương không cấp chỉ tiêu, đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc, kể cả các đơn vị đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế; không giải quyết khai thác tận dụng sau khai thác; dừng việc cấp chỉ tiêu khai thác gỗ gia dụng, chuyển sang cơ chế hỗ trợ khác và sử dụng vật liệu thay thế.

Nếu như giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm cả nước phát hiện 27.265 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại bình quân 2.648 ha/năm.

Đến giai đoạn 2016-2018, số vụ vi phạm giảm 35%, diện tích rừng bị thiệt hại bình quân 2.328 ha/năm, giảm 29% so với bình quân 5 năm 2011 – 2015. Các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, trong đó xử lý hình sự 363 vụ.

Giai đoạn 2016-2018 cả nước trồng được gần 628.000 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng trên 44.000 ha, rừng sản xuất hơn 577.000 ha.

Sản lượng khai thác rừng trồng tập trung đạt 54 triệu m3 gỗ (năm 2016 là 17,5 triệu m3, năm 2017 là 18 triệu m3, năm 2018 là 18,5 triệu m3).

Năm 2019, tổng diện tích đất có rừng toàn quốc trên 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên gần 10,3 triệu ha, rừng trồng trên 4,3 triệu ha.

Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc trên 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ đạt 41,89%, tăng 0,70% so với năm 2016.

Khu vực phía Bắc bao gồm 31 tỉnh (4 tỉnh vùng Tây Bắc, 13 tỉnh vùng Đông Bắc, 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ), với tổng diện tích có rừng 8.793.961 ha, chiếm 60,68% diện tích rừng cả nước; tỷ lệ che phủ rừng bình quân các tỉnh năm 2018 là hơn 49,9%.

Tính đến tháng 11/2019, các tỉnh phía Bắc phát hiện 5.912 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 662 vụ (tương đương 10%) so với cùng kỳ năm 2018.

Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích có rừng ở Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu ha.

Thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương nơi đây đã xác định điểm nóng phá rừng cần tập trung triển khai xử lý, mặt khác kiểm tra giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nên bước đầu diện tích rừng Tây Nguyên đã tăng trở lại, chấm dứt tình trạng suy giảm diện tích rừng của khu vực này trong suốt 45 năm qua, kể từ năm 1975.

Tác động tích cực của các chính sách

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị khẳng định: Trong quá trình thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, lực lượng Kiểm lâm đã có những thay đổi căn bản để phù hợp với thực tế.

Đó là từ việc quản lý rừng tận gốc chuyển mạnh sang chú trọng hơn nữa nhiệm vụ hướng dẫn cho người dân phát triển rừng và làm công tác khuyến lâm hiệu quả.

Cùng với việc hướng dẫn không cấp chỉ tiêu khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc, năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí hơn 332 tỷ đồng cho các địa phương, chủ rừng bù đắp lợi nhuận từ không khai thác gỗ rừng tự nhiên, để họ có kinh phí đầu tư quản lý, bảo vệ rừng.

Hiện trường khai thác gỗ Pơ mu trái phép từ các năm trước tại tiểu khu 1213, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông (Đắk Lắk). Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Đặc biệt, Nghị định 156/2018 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 quy định rõ những chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời bãi bỏ 44 thủ tục hành chính.

So với các quy định hiện hành, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp đã cụ thể hóa các tiêu chí xác định rừng tự nhiên, rừng trồng theo 3 tiêu chí về độ tàn che, diện tích liền vùng và chiều cao của cây rừng ứng với từng điều kiện lập địa; tiêu chí cụ thể của từng loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của các văn bản hiện hành về thành lập các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo vệ rừng; khai thác rừng, Nghị định quy định mới một số nội dung như quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh.

Quy định cụ thể một số loại dịch vụ môi trường rừng mới như cơ sở sản xuất thủy điện; cơ sở sản xuất công nghiệp; cơ sở nuôi trồng thủy sản; hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn.

Trong đó đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thí điểm đến hết năm 2020, tổng kết, trình Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả, quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng.

Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, những năm qua việc triển khai có hiệu quả Quỹ gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại những tín hiệu tích cực, được các cấp chính quyền, địa phương quan tâm và đánh giá cao. Riêng năm 2018, có 2 nguồn thu dịch vụ môi trường rừng mới đối với cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản có sử dụng môi trường rừng đã chính thức được quy định tại Nghị định 156/2018, góp phần gia tăng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng.

Tiêu biểu như Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Hà Tĩnh đã chủ động ký được 28 hợp đồng ủy thác với các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, Quỹ Trung ương cũng đang phối hợp với Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam và Dự án Trường Sơn xanh triển khai nghiên cứu thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh (do dự án VFD hỗ trợ nghiên cứu); Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế (do dự án Trường Sơn xanh hỗ trợ nghiên cứu).

Nhờ đó, năm 2018 thu tiền dịch vụ môi trường rừng trên cả nước đạt 2.937,9 tỷ đồng, tăng 71% so với năm 2017. Hiện diện tích rừng được trả tiền dịch vụ lên tới 5,2 triệu ha rừng trên tổng 6,3 triệu ha được thụ hưởng, chiếm 43% tổng diện tích rừng toàn quốc. Năm 2019, riêng 20/31 tỉnh phía Bắc có nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đã giải ngân 1.608,9 tỷ đồng, góp phần bảo vệ nghiêm ngặt 3,94 triệu ha rừng.

Nguồn: