Cập nhật COVID-19 sáng 22/5: Nhiều nước nới lỏng cách ly, Việt Nam không có ca mắc mới

Trong 24h qua, thế giới có thêm 103.041 người mắc bệnh và 4.727 người tử vong vì đại dịch COVID-19. Tại các điểm nóng của dịch bệnh, nhiều biện pháp nới lỏng bắt đầu được triển khai.

10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới tính đến 5h45 sáng 22/5 (theo giờ Việt Nam). Nguồn: worldometers.info

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện đã lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cập nhật mới nhất theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 5h45 ngày 22/5 (giờ Việt Nam), toàn cầu ghi nhận 5.186.452 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 333.966 người tử vong.

Như vậy, trong 24h qua, có thêm 103.041 người mắc bệnh và 4.727 người tử vong vì đại dịch COVID-19.

Còn tại Việt Nam, tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 22/5: Đã 36 ngày Việt Nam bảo vệ đựơc thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch COVID-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tính đến sáng nay cũng bước vào ngày thứ 4, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhập cảnh, kể từ 4 ca bệnh trở về từ Nga và Mỹ được công bố chiều ngày 18/5. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam vẫn là 324 ca.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 14.744.

Đến thời điểm này có 266 ca bệnh/324 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 82% tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước ta.

Diễn biến chính dịch Covid-19 trong 24h qua

*Với 1.618.324 ca nhiễm và 96.210 ca tử vong (tăng lần lượt 25.601 và 1.274 ca so với 24h trước), Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh này. Tuy nhiên nhiều bang ở nước này như California hay Florida đã lên kế hoạch mở cửa trở lại theo từng giai đoạn, sau thời gian phong tỏa do dịch COVID-19.

Tại khu vực Mỹ Latinh, Brazil đang là ổ dịch lớn nhất với 310.087 trường hợp mắc COVID-19 và 20.047 ca tử vong (tăng 16.730 ca mắc và 1.153 ca tử vong). Đây cũng đang là quốc gia đứng thứ 3 về số ca mắc bệnh COVID-19 nhiều nhất thế giới.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 11/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

*Nga là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ hai thế giới với 317.554 người, tăng 8.849 ca so với hôm qua. Trong khi số ca tử vong ở quốc gia châu Âu này vẫn thấp hơn so với nhiều nước khác với 3.099 người (tăng 127 ca).

Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin ngày 21/5 đã ký quyết định bước đầu nới lỏng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt tại thành phố có số lượng người mắc COVID-19 chiếm gần một nửa ở LB Nga.

Theo quyết định trên, bắt đầu từ ngày 21/5, các chủ doanh nghiệp ở Moskva có thể nhận được quyền cấp thẻ thông hành điện tử cho nhân viên song vẫn phải giảm thiểu sự hiện diện của đội ngũ này tại nơi làm việc. Ngoài ra, dịch vụ chia sẻ xe hơi trong thành phố Moskva sẽ được khôi phục từ ngày 25/5.

*Tại châu Âu, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới, Anh là quốc gia có số ca tử vong cao nhất, với 36.042 ca (tăng 338 ca), tiếp theo là Italy, với 32.486 ca (tăng 156 ca), Pháp với 28.215 ca (tăng 83 ca) và Tây Ban Nha là 27.940 ca (tăng 52 ca).

*Còn tại châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 21/5 đã tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì đại dịch COVID-19 ở 3 tỉnh thuộc khu vực Kansai, gồm Osaka, Kyoto và Hyogo.

Ông cũng cho biết tình trạng khẩn cấp tại khu vực thủ đô Tokyo và tỉnh Hokkaido ở cực Bắc có thể dỡ bỏ sớm nhất vào ngày 25/5 tới. Lệnh tình trạng khẩn cấp hiện nay có hiệu lực tới ngày 31/5.

*Bộ Y tế Indonesia ngày 21/5 thông báo số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 973 ca. Đây là ngày có số người mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước tới nay.

*Trong khi đó, các cơ quan an ninh của Thái Lan đã nhất trí kiến nghị kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới hết tháng 6 do tình hình đại dịch COVID-19 toàn cầu vẫn đáng lo ngại.

Hành khách tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

*Kể từ ngày 2/6, Singapore sẽ cho phép du khách được quá cảnh sân bay Changi, sau khi nước này chấm dứt thực hiện các biện pháp phong tỏa để đối phó dịch COVID-19.

*Cũng trong ngày 21/5, Lào đã cho phép nối lại vận tải nội địa, song yêu cầu thực thi nghiêm các biện pháp phòng, chống đại dịch, trong đó có việc kiểm tra thân nhiệt, và sắp xếp chỗ ngồi nhằm đảm bảo các hành khách ngồi cách nhau ít nhất 1 mét. Các doanh nghiệp vận tải sẽ phải cung cấp, xà phòng, nước rửa tay khô cho khách hàng.

*Tối 21/5, Bộ Y tế Campuchia thông báo đã phát hiện 1 trường hợp nhiễm COVID-19 mới là một nam công dân Campuchia từ Philippines trở về, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 123 trường hợp.

Theo thông tin của Bộ Y tế Campuchia, trường hợp nhiễm COVID thứ 123 được phát hiện là nam công dân Campuchia 26 tuổi sống sống tại xã Kampong Trach, huyện Kampong Trach, tỉnh Kampot. Ca nhiễm thứ 123 trở về Campuchia từ Philippines quá cảnh Hàn Quốc lúc 22h ngày 20/5/2020.

*Tính đến chiều 21/5, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Châu Phi) cho biết, số trường hợp được xác nhận mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu lục này đã vượt qua 95.000 ca, số người tử vong vì dịch bệnh này trên khắp châu Phi là 2.997 người. Và khoảng 38.075 người mắc COVID-19 đã được chữa khỏi.

Theo CDC châu Phi, dịch COVID-19 đã lan rộng ở 54 quốc gia châu Phi, trong đó Bắc Phi là khu vực bị ảnh hưởng nhất của lục địa cả về số ca nhiễm và số người chết. Ai Cập và Algeria hiện là 2 quốc gia châu Phi có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu lục.

*Các nhà nghiên cứu y tế ở bang Victoria, Australia, đã sử dụng kỹ thuật giải trình tự gene để truy tìm nguồn gốc của gần 1.000 trường hợp mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại bang này, qua đó xác định du thuyền, cơ sở y tế và các địa điểm đông người là nơi lây nhiễm chủ yếu.

*Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về số lượng các ca mắc COVID-19 gia tăng tại các nước nghèo, trong bối cảnh nhiều nước giàu đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong đợt đại dịch này, đồng thời bày tỏ rất quan ngại về sự gia tăng số ca nhiễm ở những nước có thu nhập thấp và trung bình.

Nguồn: