Đa dạng sinh học và hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là các dịch vụ điều tiết và hỗ trợ, giúp con người thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai…
Thế nhưng, chưa bao giờ sự đa dạng sinh học trên toàn cầu bị suy thoái với tốc độ nghiêm trọng như hiện nay. Chính vì thế, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020 có chủ đề “Giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên”, nhằm nhấn mạnh các giải pháp dựa vào tự nhiên có thể góp phần giải quyết các thách thức xã hội.
Báo động suy giảm đa dạng sinh học
Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020 có chủ đề “Giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên”, nhằm nhấn mạnh các giải pháp dựa vào tự nhiên có thể góp phần giải quyết các thách thức xã hội. |
Trên Trái Đất có vô vàn loài động, thực vật khác nhau, cùng chung sống và tác động lẫn nhau, tạo nên sự đa dạng của hệ sinh học. Giá trị của đa dạng sinh học là vô cùng to lớn và có thể chia thành hai loại giá trị: giá trị trực tiếp và giá trị gián tiếp.
Giá trị kinh tế trực tiếp của tính đa dạng sinh học là những giá trị của các sản phẩm sinh vật mà được con người trực tiếp khai thác và sử dụng cho nhu cầu cuộc sống của mình.
Còn giá trị gián tiếp là những lợi ích bao gồm số lượng và chất lượng nước, bảo vệ đất, tái tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học, điều hòa khí hậu và cung cấp những phương tiện cho tương lai của xã hội loài người.
Có thể kể một vài ví dụ như các rạn san hô và thảm thực vật ven biển hỗ trợ chắn sóng và bảo vệ bờ biển; các vùng đất ngập nước điều tiết dòng chảy lũ; rừng và cây rừng ổn định trầm tích, bảo vệ khỏi sạt lở đất. Các hệ sinh thái cũng kéo dài tuổi thọ của cơ sở hạ tầng, do đó tiết kiệm chi phí đầu tư…
Tuy nhiên, do các nguyên nhân khác nhau, đa dạng sinh học – nguồn tài nguyên quý giá nhất, đóng vai trò rất lớn đối với tự nhiên và đời sống con người, đang bị suy thoái nghiêm trọng.
Hậu quả tất yếu dẫn đến là sẽ làm giảm/mất các chức năng của hệ sinh thái như điều hoà nước, chống xói mòn, đồng hóa chất thải, làm sạch môi trường, đảm bảo vòng tuần hoàn vật chất và năng lượng trong tự nhiên, giảm thiểu thiên tai, các hậu quả cực đoan về khí hậu.
Cuối cùng, hệ thống kinh tế sẽ bị suy giảm do mất đi các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
Có hai nhóm nguyên nhân chính gây ra sự suy thoái đa dạng sinh học, đó là do các tác động bất lợi của tự nhiên và của con người. Trong đó, từ giữa thế kỷ 19 đến nay, các ảnh hưởng do con người gây nên đặc biệt nghiêm trọng, làm thay đổi và suy thoái cảnh quan trên diện rộng.
Điều đó đã đẩy các loài và các quần xã sinh vật vào nạn diệt chủng. Con người phá hủy, chia cắt, làm suy thoái sinh cảnh, khai thác quá mức các loài cho nhu cầu của mình, du nhập các loài ngoại lai và gia tăng dịch bệnh, cũng là các nguyên nhân quan trọng làm suy thoái tính đa dạng sinh học.
“Giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên”
Trước tình trạng đa dạng sinh học trên toàn cầu bị suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người (IBPES, 2019), Liên hợp quốc đa kêu gọi áp dụng các “Giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên” nhằm thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, sống hài hòa với thiên nhiên, đóng góp chung vào nỗ lực toàn cầu trong bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Giải pháp dựa vào thiên nhiên, đi kèm đó là bảo tồn đa dạng sinh học, phù hợp với Công ước Đa dạng sinh học năm 1992, vốn nhấn mạnh: con người là một phần của thiên nhiên chứ không tách rời khỏi thiên nhiên.
Đây cũng là chìa khóa để giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi và thích ứng ở một số khu vực quan trọng. Các khu vực này bao gồm bảo tồn, phục hồi rừng và các hệ sinh thái trên cạn; bảo tồn và phục hồi tài nguyên nước ngọt, hệ sinh thái biển và đại dương, cũng như hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững – nơi chiếm phần lớn diện tích Trái đất và tác động trực tiếp đến cuộc sống con người.
Giải pháp dựa trên thiên nhiên là biện pháp tiếp cận thay thế các phương pháp truyền thống đối với các vấn đề môi trường. Phương pháp truyền thống trong phát triển cơ sở hạ tầng được gọi là “xám” – là thiết lập các cấu trúc dựa trên xây dựng và nhân tạo. Trong khi các giải pháp dựa trên tự nhiên bao gồm cơ sở hạ tầng tự nhiên; xanh; hoặc tích hợp; hoặc kết hợp cả 3 yếu tố.
Ví dụ, việc xây dựng các công trình biển, hồ chứa, đập và hệ thống thoát nước, từ lâu thường dựa trên cách tiếp cận “xám.” Tác động của nó có thể gây ra một số phản ứng tiêu cực, gia tăng rủi ro về biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường và làm suy giảm một số giống loài.
Tuy nhiên, khi áp dụng các giải pháp dựa trên thiên nhiên, những rủi ro này có thể được loại trừ. Thay vì xây đập hay đào hồ, chúng ta khôi phục và bảo tồn các rạn san hô, các vành đai rừng ngập mặn để tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ven biển và nước biển dâng, là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp tiêu tán năng lượng sóng.
Việc gây dựng các thảm thực vật có thể giảm nguy cơ sạt lở, tạo các vành đai xanh để bổ sung nước ngầm ở những khu vực khô hạn, khan hiếm nước… Đây chính là cách áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái để giải quyết các thách thức về môi trường, khí hậu và phát triển kinh tế.
Việt Nam nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học
Việt Nam là một trong những nước có đa dạng sinh học cao với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Địa hình và khí hậu nhiệt đới gió mùa đã tạo ra sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên, trong đó hệ sinh thái rừng, đồng cỏ, các vùng đất ngập nước nội địa, đụn cát, bãi triều, cửa sông, thảm cỏ biển và rạn san hô, vùng biển sâu…
Tuy nhiên những năm qua, những hoạt động như khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thủy sản chưa hợp lý… khiến nguồn tài nguyên sinh học ở nước ta không ngừng suy giảm.
Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước Đa dạng sinh học ngày 17/10/1994. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công cuộc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Đó là xây dựng được hệ thống các cơ quan quản lý, khung chính sách và pháp luật về đa dạng sinh học; hệ thống các khu bảo tồn đã được thành lập; các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm được bảo vệ bằng pháp luật và thông qua các chương trình hành động; tiếp thu, đẩy mạnh thực hiện các vấn đề mới của bảo tồn đa dạng sinh học như an toàn sinh học, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích có được từ việc sử dụng nguồn gene…
Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước Đa dạng sinh học ngày 17/10/1994. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công cuộc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Đặc biệt là nhận thức về tầm quan trọng, vai trò của đa dạng sinh học đối với cuộc sống và phát triển bền vững đất nước ngày càng được nâng cao.
Việt Nam cũng khuyến khích áp dụng các giải pháp công trình để có hiệu quả và bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường tự nhiên; thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững, áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng.
Điển hình như Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, sau hơn 10 năm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đã bảo tồn khá nguyên vẹn giá trị hệ sinh thái rừng, biển, thể hiện ở sự đa dạng về loài và nguồn gene.
Các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rong biển được bảo tồn khá tốt. Tại vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, người dân từ khai thác chuyển sang bảo vệ, đồng hành như những cán bộ bảo tồn thực thụ.
Từ chỗ người dân bắt rùa, thu trứng rùa để ăn, thì nay đã chung tay, góp sức trong công cuộc tái phục hồi và bảo vệ loài bò sát cổ quý hiếm này. Có một thời gian, san hô bị khai thác để làm cảnh, làm vật liệu xây dựng, thì nay người dân đã chủ động thực hiện trọn vẹn công nghệ phục phồi san hô.
Từ chỗ cua đá bị khai thác bừa bãi, đến nay nguồn lợi này đã được quản lý, khai thác, bảo tồn một cách hiệu quả với sự vào cuộc của đại diện bốn lực lượng gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân địa phương.
Hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã có những chỉ đạo nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.