Hình ảnh người đàn ông dùng ná bắn khỉ tại chùa Linh Ứng – Đà Nẵng một lần nữa dấy lên lo ngại về sự an toàn của các loài động vật hoang dã tại Sơn Trà và cho chính cả người dân, du khách. Câu chuyện mâu thuẫn giữa phát triển du lịch và bảo tồn dù khiến các ngành chức năng đau đầu, nhưng vẫn đang “đụng đâu sửa đó”…
Bắn phá khỉ vì làm phiền khách?
Gần đây, nhiều hình ảnh, clip đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh dùng ná bắn phá làm khỉ bị thương ở chùa Linh Ứng khiến cộng đồng bức xúc. Ông Phan Minh Hải – Phó Trưởng ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết đã phối hợp Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn làm việc với chùa Linh Ứng để làm rõ sự việc. Người đàn ông trong clip gây phẫn nộ được xác định là một trong số những người hành nghề chụp ảnh, có đăng ký với nhà chùa. “Bước đầu, người này cho biết việc dùng ná chỉ để hù doạ bầy khỉ do chúng hay xuống sân chùa quấy phá khách và những người ở chùa. Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc, tìm hiểu thêm nhiều nguồn thông tin khác để xác minh, đồng thời yêu cầu người này cam kết không được phép tái phạm”, ông Hải cho hay.
Trong khi đó, chị Nguyễn Bình An – thành viên nhóm tình nguyện Cứu hộ và Bảo vệ động vật hoang dã Sơn Trà, đơn vị đã có thông tin phản ánh sự việc trên cho biết, thời điểm quay clip, đàn khỉ không hề có hành động quấy phá nào. “Người đàn ông trong clip dùng ná đi quanh các khu vực có khỉ để bắn. Ngay trong clip cũng có đoạn người này lấy từ trong túi ra những việc đá nhỏ để bắn khỉ nên hành động trên là có chủ định chứ không phải là vô ý hay hù dọa. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên nhóm chúng tôi bắt gặp sự việc một số người dân, bảo vệ ở chùa bắn phá, đánh đuổi bầy khỉ”, chị An khẳng định.
Đuổi khỉ quậy phá, đuổi đánh người?
Chùa Linh Ứng Sơn Trà là một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng nhưng vài năm trở lại đây, nơi này còn được biết đến bởi sự xuất hiện của những đàn khỉ vàng tìm đến kiếm ăn. Từng có thời gian, các đàn khỉ bới móc bãi rác nhà chùa, trong khi đó dù có biển cấm đặt ở nhiều nơi nhưng người dân, du khách thiếu ý thức vẫn mang thức ăn lên chùa để “dụ” bầy khỉ đến chụp ảnh. Thậm chí, từng có người ngang nhiên lao vào bắt khỉ con tại đây khiến cả đàn hung hãn đuổi theo. Chính vì những tác động của con người đang khiến khỉ vàng tại Sơn Trà thay đổi tập tính, chúng dạn người, kéo nhau lang thang dọc đường lên núi Sơn Trà để xin đồ ăn. Chưa kể, nhà chùa cũng từng đau đầu về việc bị bầy khỉ “tấn công” vào các sảnh điện thờ để lấy trộm bánh trái. Thế nhưng các cơ quan chức năng cũng như nhà chùa vẫn đang “đụng đâu sửa đó”, đuổi được khỉ lúc nào thì đuổi.
Cần nhớ rằng, Sơn Trà còn được gọi là đảo khỉ. Việc các cơ sở du lịch, chùa chiền xây dựng ngay bên cạnh khu bảo tồn Sơn Trà cũng là sự xâm phạm vào tự nhiên – ngôi nhà chung của loài khỉ cũng như nhiều loài động vật khác. Việc đuổi khỉ ra khỏi đảo khỉ là điều không thể, chưa kể khỉ vàng là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.
Ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn cho biết, ngành kiểm lâm cũng rất trăn trở vì dù đã có biển báo cấm không cho khỉ ăn nhưng người dân lẫn du khách vẫn phớt lờ. “Chúng tôi cũng đang đề nghị nhà chùa cần tăng cường lực lượng bảo vệ để giám sát các hoạt động của du khách, người dân trong khu vực chùa, tuyệt đối không cho khỉ ăn, không có hành động bắn phá bầy khỉ”, ông Thắng cho hay. Đề đạt thêm về phương án lâu dài, chị An cho rằng, ngành du lịch thành phố cần phải quyết liệt trong việc yêu cầu tất cả đơn vị lữ hành đưa khách lên chùa Linh Ứng hay Sơn Trà tham quan phải có cam kết bảo vệ môi trường và động vật rừng tại đây để tránh xảy ra những trường hợp bầy khỉ và du khách tấn công lẫn nhau bằng nhiều cách.