Với việc đóng thuế 1 tỷ đồng/1MW, thủy điện ở Lào Cai đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy vậy, những hệ lụy do thủy điện gây ra là nỗi ám ảnh cho các dòng sông và người dân sống xung quanh.
Những ám ảnh kinh hoàng
Năm 2012, tỉnh Lào Cai phê duyệt cấp phép và thi công dự án Thủy điện Sử Pán 1. Công trình nằm vắt qua 3 xã là Hầu Thào, Tả Van và Bản Hồ của huyện Sa Pa. Đơn vị đầu tư là Công ty CP công nghiệp Việt Long, trụ sở tại tại tầng 2, Tòa nhà Hội trường, số 12 Đào Tấn, TP. Hà Nội.
Cuối năm 2018, Thủy điện Sử Pán 1 đi vào hoạt động với công suất lắp máy 30MW, dùng hệ thống hầm xả lũ. Vào đêm 23/6/2019, trên địa bàn huyện Sa Pa xảy ra mưa lớn tạo thành lũ, Thủy điện Sử Pán 1 đã tiến hành xả lũ gây thiệt lớn đến nhà cửa, hoa màu của 59 hộ dân vùng hạ du, làm đứt cầu treo Bản Dền, trên suối Mường Hoa.
Anh Giàng A Dơ một người dân xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa kể lại: “Chúng tôi sống ở đây từ ngày xưa đến giờ chưa có đợt lũ nào như thế này. Bây giờ thủy điện vào làm bồi đắp hết, xong xả một cách dồn dập và chỉ sau 1 phút tất cả trôi đi hết không còn gì”.
Do không tuân thủ đúng đủ quy trình, nên việc xả lũ của Thủy điện Sử Pán 1 đã làm thiệt hại gần 17 tỷ đồng, bao gồm tài sản của nhân dân và làm đứt cầu treo qua suối Mường Hoa. Ông Đào A Khới, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa cho biết: Thi công thủy điện còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Khi xả lũ không thông báo, khiến người dân và chính quyền địa phương hoàn toàn bất ngờ. Hầu như bà con nhân dân không muốn nhìn thấy cán bộ thủy điện trên địa bàn xã. Khi nhà máy cần liên lạc với cấp ủy, chính quyền xã. Còn xã liên lạc trao đổi công việc hay là đề xuất các vấn đề liên qua khi liên lạc được.
Ngày 19/12/2017, UBND tỉnh Lào Cai cấp Chứng nhận đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Thủy điện Phúc Long cho Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long. Đây là mô hình thủy điện lòng sông, được xây dựng trên sông Chảy, gồm 2 tổ máy, có công suất 22 MW, điện lượng hàng năm là 87,81 triệu kwh, tổng giá trị đầu tư đến khi hoàn công là 708 tỷ đồng.
Nhà máy thuộc địa phận 2 xã: Long Phúc và Xuân Thượng (huyện Bảo Yên), sau khi hoàn thành đây sẽ là thủy điện lớn nhất trên địa bàn huyện. Tuy vậy, Thủy điện Phúc Long xây dựng đã “bức tử” Trạm Thủy văn Bảo Yên do không có nước để hoạt động. Đồng thời, làm cạn kiệt dòng sông Chảy khiến cho những người dân sinh sống tại 2 bên dòng sông gặp khó khăn.
Anh Trần Bá Hòa, Trạm trưởng cho biết: Do ảnh hưởng của hồ chứa nên dòng chảy trên sông đã mất tính tự nhiên. Nếu không có thủy điện, dù vào mùa khô, lượng nước trên sông vẫn rất ổn định. Còn hiện nay, có thời điểm nước sông gần như cạn trơ đáy, có thể lội qua dễ dàng và vào mùa lũ, nước lên xuống cũng rất cực đoan, có khi số liệu 2 lần đo (cách nhau 1 đến 2 tiếng đồng hồ) chênh lệch hàng mét nước. Những dữ liệu thu thập được có ý nghĩa trong đánh giá quy luật tự nhiên tác động trực tiếp đến công tác phòng, chống thiên tai. Thời gian tới, Thủy điện Phúc Long đang được xây dựng và đi vào hoạt động dâng nước, cả khu vực sẽ biến thành lòng hồ thì không còn gì để quan trắc, đo đạc. Điều ngạc nhiên là trong suốt quá trình khảo sát lòng hồ, lập hồ sơ xin phê duyệt dự án, Trạm Thủy văn Bảo Yên không hề được chủ đầu tư thủy điện tham vấn.
Siết hoạt động quản lý, cấp phép
Với chủ trương không đánh đổi môi trường với kinh tế, gần đây, tỉnh Lào Cai đã từng bước siết chặt quản lý khai thác tại các thủy điện trên địa bàn. Các dự án đầu tư khai thác các công trình thủy điện đều được tỉnh Lào Cai thẩm định kỹ càng về tác động của nó tới môi trường, tới nguồn nước và tới đời sống người dân tại những khu vực xung quanh. Khi cấpphép cho các công trình thủy điện đi vào vận hành khai thác, các thủy điện phải xả dòng chảy thường xuyên, liên tục với lưu lượng bắt buộc, số ngày bắt buộc…
Về các sai phạm thủy điện gây ra, tỉnh Lào Cai kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm. Trong đó, trường hợp mà Thủy điện Sử Pán 1 gây ra cho người dân xã Bản Hồ, UBND tỉnh Lào Cai đã ra quyết định xử phạt hành chính 120 triệu đồng. Đồng thời, đề nghị Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long phải có trách nhiệm hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do xả lũ gây ra. Thủy điện Sử Pán 1 ngay sau khi gây ra lỗi, lãnh đạo Thủy điện đã cùng lãnh đạo Thị xã Sa Pa tới gặp người dân, nhẫn lỗi đồng thời chấp nhận hỗ trợ cho người dân ở khu vực xã Bản Hồ bị thiệt hại do việc xả lũ gây ra.
Về việc ảnh hưởng tới Trạm thủy Văn Bảo Yên, theo Phòng Tài nguyên nước của Sở TN&MT Lào Cai, Trạm Thủy văn Bảo Yên nằm trên sông Chảy, nếu xây dựng Thủy điện Phúc Long thì các thông số đo đạc để cảnh báo thiên tai, lưu lượng nước… không còn chính xác nữa. Vì vậy, phương án tối ưu bây giờ là sẽ di chuyển Trạm Thủy văn Bảo Yên đi và chi phí sẽ do Thủy điện Phúc Long chi trả. Sở TN&MT đã cùng các Sở, ngành và doanh nghiệp đi khảo sát tìm địa điểm để xây dựng Trạm Thủy văn mới.
Đại diện Thủy điện Phúc Long cho biết, đơn vị rất cầu thị trong việc tìm kiếm giải pháp hợp lý hài hòa cho các bên liên quan. Hiện, đơn vị đã cùng các Sở, ban ngành trên địa bàn đi khảo sát tìm phương án di dời Trạm. Đại diện Thủy điện Phúc Long cũng cam kết khi đi vào hoạt động sẽ hạn chế đến mức tối thiểu ảnh hưởng của nhà máy tới dòng sông Chảy và tới người dân sống xung quanh.
Theo ngành Công Thương tỉnh Lào Cai, hiện có 99 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã được phê duyệt với tổng công suất gần 1.300MW. UBND tỉnh Lào Cai đã chấp thuận chủ trương cho 46 nhà đầu tư khảo sát, lập dự án đầu tư. Trong đó, có 51 dự án đã hoàn thành, các dự án khác đang khảo sát, thi công. Mỗi năm nhà máy thủy điện nộp ngân sách gần 800 tỷ đồng. |