Lượng khí thải CO2 trên toàn cầu trong những tháng đầu năm đã giảm mạnh dưới tác động của các lệnh phong tỏa nhằm ngăn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Đây là kết luận từ công trình nghiên cứu đầu tiên về khí thải toàn cầu trong năm 2020 của các nhà khoa học Australia, Anh, Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu và Môi trường (CICERO).
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận trên cơ sở phân tích lượng khí thải CO2 hằng ngày tại 69 quốc gia, 50 bang của Mỹ, 30 tỉnh của Trung Quốc, 6 lĩnh vực kinh tế, 3 cấp độ thực hiện các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch COVID-19, cũng như dữ liệu từ hoạt động tiêu thụ điện hằng ngày.
Năm 2019, thế giới đã thải ra 100 triệu tấn CO2/ngày thông qua các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng.
Đầu tháng 4 vừa qua, lượng khí thải này đã giảm xuống 83 triệu tấn/ngày, một số quốc gia đã ghi nhận lượng khí thải giảm tới 26% trong thời gian cao điểm áp dụng các biện pháp hạn chế.
Trung Quốc ghi nhận lượng khí thải giảm mạnh nhất trong tháng 4, tiếp đó là Mỹ, châu Âu và Ấn Độ. Tổng lượng khí thải giảm ở 4 quốc gia và khu vực này chiếm 2/3 tổng lượng khí thải giảm trên toàn cầu trong 4 tháng đầu năm, tương đương 1 tỷ tấn CO2.
Theo báo cáo, lượng khí thải giảm mạnh nhất là vào ngày 7/4 vừa qua, với mức giảm tới 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ lớn nhất khi giảm tới 40% lượng khí thải, trong khi ngành công nghiệp, sản xuất điện và hàng không lần lượt giảm ở mức 25%, 19% và 10%.
Các nhà khoa học dự báo lượng khí thải sẽ giảm 4% trong năm nay nếu các quốc gia mở cửa trở lại vào giữa tháng 6 tới, và giảm 7% nếu tình trạng phong tỏa kéo dài đến hết năm. Đây sẽ là mức giảm lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, song các chuyên gia lưu ý con số này chưa đủ để đối phó với hiện tượng Trái Đất ấm lên trong dài hạn vì không phản ánh sự thay đổi về cấu trúc kinh tế, giao thông và hệ thống năng lượng.
Trong thập kỷ này, lượng khí thải trên thế giới cần phải giảm ở mức 7,6%/năm để đảm bảo Trái Đất chỉ ấm lên thêm 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, gần 200 quốc gia đã cam kết mức tăng nhiệt độ của Trái Đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) sau đó cho rằng mức tăng trong phạm vi 1,5 độ C mới là mức tăng an toàn.