Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 (Luật Khoáng sản 2010) được Quốc hội khóa XII ban hành ngày 17/11/2010 có hiệu lực là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản. Một điểm mới cơ bản của Luật là về nguyên tắc, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo đó, quy định tại Khoản 1 Điều 78 của Luật Khoáng sản là việc triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện ở cả khu vực chưa thăm dò khoáng sản và khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Sau khi Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực ngày 15/5/2012 (Nghị định số 22/2012/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã chỉ đạo triển khai ngay công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Sau 7 năm triển khai thực hiện, từ năm 2014 đến 2019 (số liệu tính đến ngày 30/6/2019), Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá với 582 khu vực khoáng sản, trong đó đã đấu giá thành công 304 khu vực (gồm 13 loại khoáng sản) đạt 52,23% kế hoạch. Trong đó: Đấu giá tại các khu vực đã có kết quả thăm dò 56 khu vực (chiếm 18,4%), số tiền đạt được là 272,516 tỷ đồng; đấu giá tại các khu vực chưa có kết quả thăm dò 248 khu vực (chiếm 81,6%), số tiền dự tính đạt được là 768,306 tỷ đồng. Tổng giá trị xác định thông qua đấu giá 304 khu vực ước đạt 1.040,823 tỷ đồng; so với tổng giá trị khởi điểm dự tính là 576,504 tỷ đồng tăng 466,210 tỷ đồng (tăng 80,86 % so với giá khởi điểm). Nói cách khác thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã tăng thu cho ngân sách nhà nước 466,210 tỷ đồng. Căn cứ vào kết quả đấu giá và kết quả thăm dò sau đấu giá, các địa phương đã cấp phép khai thác khoáng sản 152 mỏ (đạt 50%) và thu về ngân sách nhà nước 354,358 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. Đến nay, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã hết hiệu lực.
Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có hiệu lực từ ngày 01/7/2017. Theo đó, tại Điều 3 Luật quy định:
“1. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật này và quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; việc đấu giá đối với tài sản nhà nước ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.”.
Như vậy, về nguyên tắc trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải tuân thủ quy định của Luật Đấu giá. Mặt khác, một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP không còn phù hợp, cụ thể như các quy định về: Tiền đặt trước; đối tượng tham gia đấu giá; bán hồ sơ mời tham gia đấu giá; thành lập Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; công khai danh sách tổ chức, cá nhân được tham gia phiên đấu giá…
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản để phù hợp với Luật đấu giá tài sản là cần thiết.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.