194 nước trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu điều tra độc lập về phản ứng toàn cầu với COVID-19, trong đó có phản ứng của WHO.
Tờ South China Morning Post ngày 19-5 cho hay các thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhất trí thông qua nghị quyết điều tra độc lập về COVID-19, trong đó có phản ứng của WHO. Dự thảo nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất trong khuôn khổ kỳ Đại hội Y tế thế giới lần thứ 73.
Không quốc gia nào trong số 194 nước thành viên của WHO phản đối dự thảo nghị quyết này, kể cả Trung Quốc.
Nội dung nghị quyết nêu ra yêu cầu cấp thiết của việc phải mở “một cuộc đánh giá công bằng, độc lập và toàn diện” về phản ứng toàn cầu với đại dịch COVID-19, bao gồm một cuộc điều tra về các động thái có liên quan của WHO.
Nghị quyết không nêu rõ về thời gian dự kiến diễn ra cuộc điều tra nhưng Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 18-5 tuyên bố sẽ tổ chức “vào thời điểm phù hợp và sớm nhất”.
Bình luận về diễn biến trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định nghị quyết hoàn toàn phù hợp với lập trường của Bắc Kinh là các quốc gia trên thế giới nên ủng hộ WHO và rằng cuộc điều tra chỉ nên diễn ra “vào thời điểm thích hợp”, tương tự quan điểm của ông Tedros.
Trong khi đó, đại diện EU nhấn mạnh nghị quyết sẽ là cơ hội để thế giới để rút ra bài học để chuẩn bị cho các nguy cơ với quy mô tương tự trong tương lai.
Theo Reuters, việc thông qua nghị quyết của EU diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ba bên Mỹ, WHO và Trung Quốc về COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngày 19-5, Tổng thống Donald Trump đã đe doạ cắt vĩnh viễn khoản hỗ trợ tài chính cho WHO nếu tổ chức này vẫn không chịu tiến hành cải cách trong 30 ngày tới và ngừng thiên vị Trung Quốc.
Đáp trả, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc Mỹ đang cố tình muốn đổ lỗi cho Trung Quốc làm thất bại chiến lược chống dịch của Washington.
Ông Kiên cũng cảnh báo rằng việc Mỹ rút tài trợ cho WHO sẽ ảnh hưởng nỗ lực chống dịch toàn cầu, nhất là những nơi có hệ thống y tế còn yếu kém.