Pháp và Đức hôm 18/5 đề xuất quỹ trị giá 500 tỷ euro (542 tỷ USD) để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế Liên minh Châu Âu (EU) trước những tác động của đại dịch virus corona.
Gác lại những bất đồng trong quá khứ và tìm cách chứng tỏ liên minh Pháp – Đức vẫn là trụ cột châu Âu, Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Angela Merkel công bố gói hỗ trợ chưa từng có sau cuộc hội đàm trực tuyến.
Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Christine Lagarde, nói với các tờ báo lớn của châu Âu rằng “đề xuất của Pháp – Đức đầy tham vọng, có mục tiêu và được hoan nghênh”.
Giữa lúc nền kinh tế châu Âu đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến II, ông Macron cũng thừa nhận rằng EU đã không đáp ứng kỳ vọng trong ứng phó ban đầu với dịch bệnh và cần phối hợp chặt chẽ hơn trong lĩnh vực y tế.
Với số tiền “vay mượn từ thị trường nhân danh EU”, 500 tỷ euro sẽ được đưa đến “các lĩnh vực và địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất” trong khối 27 thành viên, hai nước cho biết trong một tuyên bố chung.
“Chúng tôi tin rằng việc mang đến số tiền này là việc không chỉ hợp lý mà còn cần thiết… và sau đó chúng tôi sẽ dần dần hoàn trả thông qua một số khoản ngân sách trong tương lai của châu Âu”, bà Merkel nói.
Các quốc gia được hưởng lợi từ gói hỗ trợ sẽ không phải trả lại tiền, ông Macron nói thêm, nhấn mạnh rằng quỹ này “không phải là các khoản cho vay”.
Nền kinh tế khu vực đồng euro về tổng thể được dự báo sẽ sụt giảm đến 7,7% trong năm nay, với thiệt hại nghiêm trọng nhất ở các thành viên phía nam như Italy và Hy Lạp.
Đề xuất trên đánh dấu sự thay đổi lớn của Đức, nước cho đến nay đã từ chối lời kêu gọi của Tây Ban Nha và Italy về cái gọi là “coronabonds”, tức tiến hành vay chung trên thị trường tài chính để có tiền thúc đẩy kinh tế.
Đức, Hà Lan và các nước giàu khác đã coi “coronabonds” là nỗ lực của các nước nợ nần ở Nam Âu nhằm lợi dụng kỷ luật tài khóa của các nước ở phía bắc khu vực để kiếm tiền với chi phí rẻ hơn.
Kế hoạch của bà Merkel và ông Macron giờ phải đối mặt với cuộc đàm phán có khả năng gây đau đớn với tất cả 27 quốc gia thành viên EU và sau đó là cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện Châu Âu, nơi đã nhắm đến một gói hỗ trợ thậm chí còn lớn hơn.
Trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự bất đồng bên trong EU, Áo khẳng định rằng bất kỳ sự giúp đỡ nào cũng phải ở dạng cho vay, không phải là các khoản “cho không”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện sự đoàn kết và hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng corona, nhưng việc này phải ở dạng cho vay chứ không phải tài trợ”, tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói.
Ở phía còn lại, chính phủ Tây Ban Nha gọi kế hoạch này là “một bước tiến lớn theo đúng hướng”, và đây là một phần quan trọng trong các đề xuất của Tây Ban Nha nhằm nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng cùng nhau”.
Một nguồn tin từ văn phòng của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte mô tả kế hoạch này là “điểm khởi đầu tốt”, nhưng nói đây là gói hỗ trợ không nên “bị giảm bớt, mà là nên được mở rộng ra”.