Thay vì quản lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm bằng đánh giá tác động môi trường ĐTM thì theo Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, sẽ cấp giấy phép môi trường cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện bảo vệ môi trường.
ĐTM đã quá lạc hậu
Ngày 15/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo luật bảo vệ môi trường sửa đổi. Tham dự hội thảo có TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, TS Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan liên quan. Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) có 192 điều, tăng 20 điều so với luật cũ là 170 điều.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, dự thảo lần này đánh giá toàn diện và sửa đổi căn bản với 13 nhóm nội dung chính được đánh giá bổ sung, mục tiêu hình thành bộ luật bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện, thống nhất và khả thi. BVMT cần được coi là trung tâm của các mục tiêu phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Luật BVMT cần khắc phục được sự phân tán, chồng chéo, tạo nền tàng chuyển đổi mô hình kinh tế bền vững, kinh tế xanh.
Quản lý theo mục tiêu, kết quả cuối cùng, đơn giản hoá thủ tục hành chính nhưng cũng kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất liên quan đến môi trường. Vấn đề đánh giá ĐTM sẽ có những thay đổi cơ bản. ĐTM chỉ có giá trị khi tiến hành giai đoạn xây dựng, cấp giấy phép môi trường chứ không có giá trị mãi như hiện nay. Các dự án lớn, phức tạp sẽ phải đánh giá ĐTM rất kỹ lưỡng. Ngược lại những dự án không có xả thải thì không phải thực hiện ĐTM
TS Hoàng Dương Tùng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, Luật BVMT sửa đổi năm 2020 nếu được thông qua sẽ có nhiều nội dung mới mang tính cách mạng trong quản lý môi trường. Chưa bao giờ chúng ta có khái niệm giấy phép môi trường, dù luật qua nhiều lần sửa đổi. Nguyên tắc gây ô nhiễm phải trả tiền là công cụ kinh tế cần thực hiện. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, giảm bớt thủ tục hành chính thể hiện trong luật, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm… sẽ khiến môi trường tốt hơn nhiều.
“Suốt bao năm qua, cứ nói đến môi trường là nói đến ĐTM, nó là công cụ phân tích dự báo để quyết định xem có nên triển khai những dự án lớn hay không. Nhưng khi thực hiện nó lại gần như là giấy phép, thủ tục hành chính, các xử phạt vi phạm đều dựa trên ĐTM. Không có nước nào trên thế giới dùng công cụ ĐTM để quản lý cả. Quyết định ĐTM từ năm 1993 đến giờ vẫn tồn tại là quá lạc hậu. Rồi chất lượng đánh giá ĐTM hiện không tốt, đối tượng quá rộng, mức độ công khai không có, trình độ tư vấn, trình độ hội đồng rất yếu kém, đặc biệt ở các địa phương”, TS Hoàng Dương Tùng cho hay.
Dự thảo luật lần này trả ĐTM về đúng vị trí của nó là công cụ dự báo, phục vụ cho quy hoạch, không dựa vào ĐTM để thanh kiểm tra mà chỉ dựa vào giấy phép môi trường. Đã đến lúc phải phải thống nhất quản lý môi trường về một mối chính là giấy phép môi trường và do một cơ quan quản lý cấp để giảm thiểu thủ tục hành chính.
Giấy phép cần tạo ra đột phá
Bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh GreenID cho rằng, giấy phép môi trường là công cụ để quản lý cần phải tạo ra thay đổi để bảo vệ môi trường chứ không phải là một thủ tục hành chính. Ngoài ra, trong dự thảo luật sửa đổi lần này đã đưa ra nhiều điểm mới về vai trò tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường. Các tổ chức phi lợi nhuận được đại diện cho cộng đồng dân cư đưa đơn kiện. Hy vọng bộ luật sẽ được truyền tải đến cộng đồng dân cư.
Thứ nữa là trong luật cũ có riêng 1 điều quy định phát triển năng lượng tái tạo nhưng luật mới lại bỏ điều này đi mà lồng ghép vào nhiều điểm khác nhau. Dự thảo luật cần phải giữ lại điều này để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị. Cần giữ nguyên và bổ sung vào khoản 2 điều này nội dung khuyến khích nghiên cứu đầu tư sản xuất và ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Vấn đề quản lý chất lượng không khí là một trong 6 vấn đề môi trường nổi cộm ở Việt Nam. Có các điều khoản quy định nằm rải rác ở nhiều chương. Chúng ta cần tập trung kiểm soát các nguồn phát thải lớn, quản lý nguồn phát thải mới, hướng tới phát triển không tạo ra nguồn thải. Các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam cần xây dựng theo hướng tiệm cận với quốc tế. Ví dụ nhiệt điện cùng cùng công nghệ của Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng giới hạn phát thải NO2, SO2 cao hơn đến 33 lần so với Hàn Quốc. Nên cần phải xem xét lại. Cần nâng cấp quy chuẩn dựa trên hướng dẫn của WHO về bảo vệ sức khoẻ.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, cần giảm các thủ tục hành chính hơn nữa, cương quyết áp dụng công nghệ thông tin, công khai tất cả trên mạng, xây dựng các hướng dẫn, nghị định trên mạng để người dân được biết mà thực hiện. Phải công khai hồ sơ, công khai giấy phép môi trường để người dân có thể theo dõi. |
Ông Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, đánh giá tác động môi trường thường không theo kịp dự án. Do đó, phải có bản đồ về môi trường dựa trên nghiên cứu điều tra cơ bản rồi từ đó mới triển khai các đánh giá ĐTM một cách dễ dàng. Công nghiệp hoá gây ra ô nhiễm không khí, đất, nước, cạn kiệt tài nguyên.. làm thế nào để giảm thiểu cần làm rõ trong luật.
GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, đối với giấy phép môi trường, quy định thời hạn cụ thể như thế nào. Ví dụ lĩnh vực nhập khẩu phế liệu có bất cập là phụ thuộc vào thời gian giấy phép nhập khẩu phế liệu có giá trị, khi thành phần tính chất phế liệu thay đổi thì sao. Ví dụ nhựa sạch không cần rửa thì giấy phép một kiểu, nhưng nhựa cần rửa thì xuất hiện nước thải thì giấy phép điều chỉnh thế nào. Do đó, thời hạn của giấy phép tuỳ thuộc điều kiện hoạt động của giấy phép đó… Ngoài ra, môi trường làng nghề là vấn đề phức tạp nhưng trong dự thảo luật lại xây dựng quá đơn giản, còn chung chung. Vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn cũng chưa được quan tâm thực sự xứng đáng.
“Tôi dự báo gần như chắc chắn rằng chỉ 3 – 5 năm nữa chất thải điện tử sẽ là vấn đề cực kỳ nan giải ở Việt Nam và trên thế giới. 5 – 10 năm nữa, chất thải do các hoạt động tái tạo năng lượng sẽ là nguồn chất thải khó xử lý. Nếu muốn Luật BVMT kéo dài được 10 năm hoặc lâu hơn phải tính toán đến các nguồn thải này. Cần nghiên cứu bài bản ứng dụng công nghệ vào kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh”, GS.TSKH Đặng Kim Chi cho hay.