Sáng 17-5, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tổ chức Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị. Tại hội nghị, Tổng cục Lâm nghiệp trao Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam đầu tiên cho hơn 11,4 nghìn ha rừng cao su tại ba công ty thuộc Tập đoàn VRG gồm Công ty Cao su Bình Long, Công ty Cao-su Phú Riềng và Công ty Cao su Dầu Tiếng.
Chương trình phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Tập đoàn VRG nhằm thực hiện Đề án quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng theo Quyết định số 1228/QĐ- TTg ngày 01-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ và thúc đẩy việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại Việt Nam. Tổng diện tích cao su được xây dựng phương án quản lý rừng bền vững là 59,5 nghìn ha, chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (VFCS/CoC) cho 6 nhà máy chế biến mủ cao su.
Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và phát triển thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp, nguyên liệu “sạch” cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là sự khẳng định tính chủ động trong việc thực thi quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, đặc biệt khi hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam đã được công nhận trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam cũng giúp tăng thêm lựa chọn cho các chủ rừng, doanh nghiệp trong việc thực hiện chứng chỉ rừng bền vững.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, cho biết: “Hiện nay, cả nước có gần một triệu ha rừng cao su, hàng năm nguyên liệu từ gỗ cao su thanh lý từ 3 – 3,5 triệu m3, giá trị chế biến sản phẩm từ gỗ cao su cũng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,5 tỷ USD. Do vậy, gỗ cao su cũng là nguồn nguyên liệu quan trọng, bền vững cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và phát triển thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp, nguyên liệu “sạch” cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là sự khẳng định tính chủ động trong việc thực thi quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, đặc biệt khi hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam đã được công nhận trên toàn thế giới.
Theo kế hoạch, năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp và VRG, sẽ phối hợp đăng ký cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho ít nhất 50 nghìn ha cao-su. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức ít nhất 15 lớp đào tạo, tập huấn chuyên đề về quản lý rừng bền vững và quản lý chuỗi hành trình sản phẩm để nâng cao năng lực, nhận thức cho các công ty thuộc Tập đoàn VRG. Tổ chức triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho 10 công ty cao su thuộc tập đoàn. Thực hiện và đăng ký cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm cho 15 doanh nghiệp chế biến gỗ thuộc tập đoàn.