Những công trình kiến trúc xanh tiết kiệm được 15-40% chi phí đầu tư, vận hành năng lượng.
Với 88,64% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc, gồm 5 chương với 41 điều, vào giữa năm 2019. Đây là một trong những luật mới ban hành, được đánh giá là thiết thực và bắt kịp với xu hướng thế giới.
Giữa rất nhiều vấn đề của quốc gia, không phải ngẫu nhiên, Quốc hội lựa chọn vấn đề này để có những quy định cụ thể nhằm quản lý kiến trúc. Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, chủ nhân công trình được thế giới đánh giá cao Gió và Nước, cho biết, ấn tượng duy nhất về kiến trúc đô thị Việt Nam hiện đại là sự hỗn độn.
Nguyên nhân xuất phát từ phần lớn các công trình đều đặt trên diện tích nhỏ hẹp, thiếu những quy chuẩn trong phát triển không gian chung. Và quan trọng hơn hết là tư duy kiến trúc đặc thù. Điều này dẫn đến việc sao chép, “cải biên” kiến trúc từ các quốc gia khác một cách vô tội vạ. “Hỗn loạn trong kiến trúc đô thị và biến dạng kiến trúc nông thôn”, các đại biểu Quốc hội thống nhất nhận xét như vậy. Đó chính là lý do Luật Kiến trúc được giới chuyên môn lẫn người dân chờ đợi.
Bên cạnh các quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc…, một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong Luật Kiến trúc là triết lý kiến trúc xanh. Giới chuyên môn phấn khích, bởi những nguyên tắc bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu trong kiến trúc được đề cập và ủng hộ nhiệt tình.
Kiến trúc xanh được hiểu là những công trình bền vững, xây dựng từ nguồn vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tiết kiệm năng lượng và góp phần mang lại sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Ông Sérgio Silva, Chủ tịch Văn phòng Thương mại Bồ Đào Nha – Việt Nam, Giám đốc Công ty Thiết kế kiến trúc Saraiva+Associados (S+A), cho biết một trong những tính năng cơ bản của công trình thiết kế hoàn chỉnh, phục vụ tôn chỉ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn là phải tiết kiệm nguyên vật liệu và có tính thân thiện với môi trường.
“Trên thực tế, việc cân bằng giữa tài chính, sự tiện lợi trong thi công, bảo dưỡng công trình và duy trì màu xanh các khối kiến trúc không hề đơn giản. Nó đòi hỏi nỗ lực cả từ phía chủ công trình lẫn đơn vị thiết kế, thi công. Tuy nhiên, kiến trúc xanh là xu hướng xây dựng của tương lai và là lựa chọn lớn nhất của khách hàng trên toàn cầu”, ông Sérgio Silva nói.
Trên thế giới, không thiếu những bằng chứng về các tòa nhà xanh mang lại nhiều lợi ích về kinh tế lẫn môi trường. Thành phố Xanh với diện tích 900.000m2 ở Astana, Kazakhstan là một ví dụ. Đây là công trình có khả năng tạo ra năng lượng từ các tấm pin năng lượng mặt trời và tua-bin gió bằng cách kết hợp các tòa nhà với nhau. Hay Villa Nature ở Vilamoura, Bồ Đào Nha sở hữu diện tích 8.145m2. Thiết kế độc đáo của khu ký túc xá sinh viên đại học Lisbon tại Bồ Đào Nha có diện tích lên đến 45.354m2…
Những công trình xanh này cũng hạn chế tới 66% lượng CO2 thải ra môi trường. Theo tài liệu nghiên cứu Sector Book của S+A, khi sống trong môi trường bền vững, hài hòa với thiên nhiên thì năng suất lao động, khả năng học tập cũng như tình trạng sức khỏe sẽ được cải thiện đáng kể. Khả năng cảm nhận hạnh phúc cũng lớn hơn. Cũng theo tài liệu này, xét về mặt kinh tế, giá trị thương mại của các mô hình cơ sở hạ tầng kiến trúc xanh lên đến 38%. Đáng chú ý là tiết kiệm được 15-40% chi phí đầu tư, vận hành năng lượng cho các khối kiến trúc này.
Hội đồng Công trình Xanh Thế giới (WorldGBC) cũng chỉ ra rằng, các biện pháp về hiệu quả năng lượng toàn cầu có thể loại bỏ mức lãng phí tiêu thụ năng lượng lên đến khoảng 280-410 tỉ euro, tương đương gần gấp đôi mức tiêu thụ điện hằng năm của Mỹ. Ở các quốc gia ứng dụng công trình xanh cũng đạt hiệu quả đáng kinh ngạc.
Đem lại hiệu quả cao về môi trường, kinh tế, giá trị xã hội cũng được cải thiện đáng kể, nếu kiến trúc xanh được áp dụng rộng rãi. Với giới chuyên môn, các biện pháp kỹ thuật để ứng dụng kiến trúc xanh không khó. “Khó nhất là việc thực hiện kiến trúc xanh tùy thuộc vào ý thức của mỗi công dân, tầm nhìn của những nhà lãnh đạo. Thiếu quyết tâm của chủ thể, rất khó để có thể xây dựng và duy trì một hệ sinh thái cân bằng, mang lại nhiều ích lợi”, ông Sérgio Silva nhận định.