15 loài nguy cấp nhất hành tinh

Nhân dịp kỷ niệm Ngày loài có nguy cơ tuyệt chủng 15-5, hãy nhìn lại 15 loài động vật nguy cấp nhất hành tinh.

Ảnh: Shutterstock.

Ngày loài có nguy cơ tuyệt chủng là ngày để mọi người dân ở mọi lứa tuổi trên thế giới công nhận những nỗ lực bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng và môi trường sống của chúng trên toàn thế giới. Đây cũng là cơ hội để mọi người tìm hiểu, thực hiện những hành động hàng ngày để bảo vệ các loài không may mắn có nguy cơ tuyệt chủng này.

Hành tinh của chúng ta đang có hơn 16.000 loài động vật, thực vật, côn trùng và sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, do các mối đe dọa bao gồm ô nhiễm, nóng lên toàn cầu, phát triển quá mức, môi trường sống bị phân mảnh và đánh bắt quá mức. Sự phục hồi và bảo tồn của các loài này phụ thuộc vào con người.

Chúng ta vẫn còn cơ hội để cứu những loài vật này; và các tổ chức như Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) luôn đi đầu trong phong trào đó. WWF được thành lập năm 1961 và hoạt động trên khắp thế giới để bảo vệ hành tinh, môi trường sống và loài của chúng ta.

Để đánh dấu Ngày loài có nguy cơ tuyệt chủng, hãy nhìn lại 15 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên hành tinh. Chúng đều đang ở trong tình trạng Nguy cấp nghiêm trọng.

Báo đốm

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Panthera pardus directionalis

Trong khi hầu hết báo hoa mai sống ở châu Phi, thì phân loài quý hiếm này đã tìm cách sống sót ở vùng Viễn Đông Nga. Chúng đang bị đe dọa do săn trộm bất hợp pháp, chỉ còn 84 cá thể được cho là sống trong tự nhiên ngày nay.

WWF làm việc với các cộng đồng địa phương và chính phủ để bảo đảm sự sống còn của báo đốm. Vào năm 2012, chính phủ Nga đã tạo ra một khu vực được bảo vệ, được gọi là Công viên quốc gia Land of the Leopard rộng 650.000 mẫu Anh, trong đó có các khu vực sinh sản dành cho báo đốm Amur.

Tiến sĩ Sybille Klenzendorf, Giám đốc quản lý bảo tồn loài của WWF cho biết: “Những con báo Amur đang sắp hồi sinh trên bờ vực tuyệt chủng”.

Tê giác đen

Ảnh: Martin Harvey / WWF

Tên khoa học: Diceros bicornis

Tê giác đen có thể được tìm thấy ở Namibia và ven biển Đông Phi.

Trong thế kỷ 20, chúng bị săn trộm để cưa lấy sừng khiến ​​số lượng tê giác đen giảm đáng kể, từ năm 1960 đến 1995, số tê giác đã giảm đi 98%.

Hiện còn 5.000 cá thể tê giác đen đang tồn tại, nhưng nạn săn trộm vẫn là mối đe dọa lớn đối với sự sống còn của chúng.

Ông Bas Huijbregts, Giám đốc Loài châu Phi của WWF cho biết, họ đang làm việc với các cơ quan chính phủ để ngăn chặn những kẻ săn trộm.

“WWF đang hợp tác với các cơ quan chính phủ và đối tác ở Nam Phi, Namibia và Kenya, để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật, xây dựng các cộng đồng hỗ trợ xung quanh, phát triển và xây dựng các giải pháp công nghệ tiên tiến, đồng thời trang bị và huấn luyện các kiểm lâm viên để ngăn chặn những kẻ săn trộm”, ông nói.

Ngoài ra, để bảo đảm quần thể tê giác đen khỏe mạnh và phát triển, WWF hỗ trợ các nỗ lực thiết lập quần thể tê giác đen mới thông qua việc chuyển tê giác từ các khu vực mật độ cao sang khu vực mật độ thấp có môi trường sống phù hợp.

Đười ươi

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Pongo pygmaeus

Trong 60 năm qua, dân số đười ươi đã giảm 50%. Loài này được chia thành ba phân loài dựa trên nơi chúng sống trên đảo Borneo: phía Tây Bắc, Đông Bắc và ở trung tâm.

Đười ươi Tây Bắc Borneo bị đe dọa nhiều nhất do nạn phá rừng và săn bắn. Hiện tại chỉ còn 1.500 cá thể. WWF đã hợp tác chặt chẽ với các mạng lưới giám sát thương mại động vật hoang dã để bảo đảm an toàn cho đười ươi.

Tiến sĩ Barney Long, Giám đốc cấp cao của Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (Global Wildlife) cho biết: “Đười ươi bị săn đuổi, bán, đẩy ra khỏi nhà của chúng là những cánh rừng. Hoàn cảnh của một trong những loài động vật có họ hàng gần nhất của con người là do chính chúng ta tạo ra và chúng ta cần giúp chúng phục hồi”.

Khỉ đột sông Cross

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Gorilla gorilla diehli

Đây là loài khỉ đột sống giới hạn ở những ngọn đồi và núi rừng của khu vực biên giới Cameroon-Nigeria tại đầu nguồn của sông Cross (Nigeria).

Do phá rừng, khỉ đột sông Cross hiện đang sống gần gũi với con người và vì thế có nguy cơ bị săn trộm bất hợp pháp.

Ông Tom Dillon, Phó chủ tịch cấp cao của WWF về các chương trình thực địa cho biết, vì số lượng loài này quá ít nên bất kỳ cá thể khỉ đột nào bị giết sẽ có tác động rất lớn.

“Nếu chúng ta không nghiêm túc trong việc cứu những loài này, nhiều khả năng nhiều cá thể sẽ không xuất hiện trong những năm tới”, ông nói.

Khỉ đột miền Đông

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Gorilla beringei graueri

Đây là loài lớn nhất trong bốn phân loài khỉ đột, sống ở vùng đất thấp phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), chủ yếu ăn hoa quả.

Tình trạng bất ổn dân sự ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), nơi loài này sinh sống, đã dẫn đến sự thu hẹp môi trường sống của chúng.

Các nhà khoa học đã không thể đếm chính xác về số lượng khỉ đột do bạo lực xảy ra trong khu vực.

Việc săn trộm cũng là một vấn đề, với những kẻ săn trộm xâm chiếm Vườn quốc gia Kahuzi-Biega, nằm trong DRC. WWF đã làm việc với nhân viên công viên và các tổ chức khác để kiểm soát nhằm bảo vệ loài này.

Rùa biển Hawksbill

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Eretmochelys imbricata

Chủ yếu được tìm thấy ở vùng biển nhiệt đới và gần các rạn san hô, rùa biển đã sống ở vùng biển của chúng ta trong 100 triệu năm qua và chúng là một phần quan trọng của hệ sinh thái biển. Chúng giúp duy trì sự sống của các rạn san hô bằng cách loại bỏ bọt biển.

Mặc dù được bảo vệ theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, rùa Hawksbill bị đe dọa nhiều nhất bởi buôn bán động vật hoang dã. Ô nhiễm, thu thập trứng quá mức và phát triển kinh tế ven biển cũng góp phần vào sự suy giảm của chúng.

WWF đã làm việc với các ngư dân để tạo ra những chiếc móc thân thiện với rùa và làm việc với các cộng đồng địa phương để cố gắng ngăn chặn tình trạng thu gom trứng rùa.

Tê giác Java

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Rhinoceros sondaicus

Với số lượng còn khoảng 68, tê giác Java là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trong số năm loài tê giác.

Chúng từng sống ở khắp vùng đông bắc Ấn Độ và Đông Nam Á, nhưng giờ chỉ có thể được tìm thấy ở Công viên quốc gia Ujung Kulon, ở Indonesia.

Hiện tại, nơi đây là cơ hội sống sót duy nhất của tê giác Java, vì vậy điều quan trọng là chúng phải được bảo vệ khỏi mọi mối đe dọa.

Để giảm khả năng tuyệt chủng, WWF đang tìm cách thiết lập một quần thể tê giác Java thứ hai.

Đười ươi

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Pongo tapanuliensis

Là sinh vật có trí thông minh cao, đười ươi chia sẻ 96,4% gen của loài người. Chúng được biết đến với bộ lông màu đỏ đặc biệt và được coi là động vật sống trên cây lớn nhất.

Đười ươi có ba loài: Bornean, Sumatra và Tapanuli và chúng sống đơn độc trong các khu rừng đất thấp.

Chúng được biết đến như là “người làm vườn” của rừng, giúp phân tán hạt giống và vì vậy chúng rất quan trọng đối với môi trường sống.

Phá rừng, săn bắn trái phép và mất môi trường sống đã dẫn đến sự đe dọa tuyệt chủng của đười ươi, trong đó loài đười ươi Tapanuli có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất khi chỉ có 800 cá thể còn sống.

Vào năm 1970, WWF bắt đầu làm việc về bảo vệ đười ươi, bao gồm các sáng kiến ​​để ngăn chặn nạn săn trộm, bảo tồn môi trường sống và chấm dứt buôn bán thú cưng.

Voi Sumatra

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Elephas maximus sumatranus

Được tìm thấy ở Borneo và Sumatra, voi Sumatra có chung môi trường sống với tê giác, hổ và đười ươi Sumatra.

Tuy nhiên, nạn phá rừng là một vấn đề lớn ở Sumatra, ​​hơn hai phần ba diện tích rừng thấp ở đây bị chặt phá trong 25 năm qua.

Săn trộm ngà voi cũng là một vấn đề, mặc dù loài voi ở đây có ngà nhỏ hơn các loài khác. Năm 2017 Trung Quốc đã cấm buôn bán ngà voi, vì thế nhu cầu ngà voi đã giảm.

Tiến sĩ Barney Long, Giám đốc cấp cao về bảo tồn loài tại Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu, cho biết: “Trừ khi việc phá rừng trên đảo Sumatra dừng lại, còn không chúng ta chỉ có thể thấy voi Sumatra bị giới hạn trong một số quần thể xa xôi”.

Đười ươi Sumatra

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Pongo abelii

Loài đười ươi Sumatra sống gần như độc nhất trong những cây rừng nhiệt đới ở Sumatra. Loài này hiện bị co cụm ở phía bắc của đảo do phát triển nông nghiệp, các đồn điền dầu cọ và hỏa hoạn.

Một con đường lớn được xây dựng ở phía bắc Sumatra có thể đang đe dọa một trong những khu vực sinh sống cuối cùng còn lại của loài này.

WWF đã và đang làm việc để ngăn chặn việc phá rừng tự nhiên bên ngoài Vườn quốc gia Bukit Tigapuluh.

“Số phận của đười ươi Sumatra liên kết chặt chẽ với những khu rừng biến mất nhanh chóng của hòn đảo. Nếu chúng ta muốn cứu đười ươi Sumatra, chúng ta phải cứu ngôi nhà là rừng của chúng”, Tiến sĩ Barney Long, Giám đốc bảo tồn loài động vật, Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu nói.

Tê giác Sumatra

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Dicerorhinus sumatlingsis

Tê giác Sumatra là loài tê giác nhỏ nhất trong số các loài tê giác còn sống và là loài tê giác duy nhất ở châu Á có hai sừng.

Hiện tại chúng chỉ được tìm thấy ở Borneo và Sumatra, mặc dù chúng từng sống ở phía đông dãy Hy Mã Lạp Sơn, miền đông Ấn Độ và Thái Lan trước khi bị tuyệt chủng ở những khu vực đó.

Vì nạn săn trộm do nhu cầu sừng tê giác tăng lên, môi trường sống bị mất, số cá thể tê giác Sumatra đã giảm xuống chỉ còn 80 con.

Để giữ cho các phân loài này không bị tuyệt chủng, WWF đã ưu tiên nuôi nhốt loài này, cố gắng cứu môi trường sống của chúng và chống lại tội phạm động vật hoang dã.

Hổ Sunda

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Panthera tigris sondaica

Những con hổ Sunda được phân biệt bởi các sọc đen dày trên bộ lông màu cam của chúng.

Hiện chỉ còn 400 cá thể, tất cả đều sống trên đảo Sumatra. Các nhà bảo tồn lo lắng rằng nạn phá rừng và săn trộm (chiếm 80% số ca tử vong của hổ) có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng, tương tự như những gì đã xảy ra với đồng nghiệp Javan và Balani của chúng.

WWF đã làm việc để giúp bảo vệ các khu vực nơi những con hổ này sống và sinh sản. Nghiên cứu sử dụng bẫy camera cũng sẽ giúp ước tính quy mô số lượng loài hổ.

Cá heo Vaquita

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Phocoena sinus

Vaquita là một loài cá heo đặc hữu của Vịnh California. Với số lượng chỉ còn 10 cá thể, Vaquita là động vật có vú dưới biển hiếm nhất thế giới.

Chỉ được phát hiện vào năm 1958, chúng hiện đang trên bờ vực tuyệt chủng do đánh bắt cá bất hợp pháp – cứ năm con cá heo Vaquita thì có một con chết trong lưới đánh cá.

WWF đang làm việc để cải thiện các kỹ thuật đánh bắt cá và đã kêu gọi lệnh cấm đối với nghề đánh cá bằng lưới.

Khỉ đột miền tây

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Gorilla gorilla gorilla

Số lượng chính xác của khỉ đột vùng đất thấp phía Tây chưa được biết do môi trường sống xa xôi của chúng trong rừng nhiệt đới châu Phi.

Chúng được tìm thấy ở Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Equatorial Guinea, Gabon và Cộng hòa Congo.

Theo WWF, mặc dù có số lượng đông nhất trong số các phân loài khỉ đột, quần thể khỉ đột ở vùng đất thấp phía Tây đã giảm 60% trong 25 năm qua do săn trộm, săn bắn thịt và bệnh tật như dịch Ebola.

WWF đang hỗ trợ các chương trình giúp ngăn chặn nạn săn trộm và giúp phát triển vaccine Ebola cho khỉ đột.

Cá heo không vây nước ngọt

Ảnh: Shutterstock.

Tên khoa học: Neophocaena asiaeorientalis ssp. Asiaeorientalis

Với số lượng ít hơn 2.000 cá thể, loài cá heo không vây sống ở nước ngọt này được biết đến với trí thông minh có thể so sánh với một con khỉ đột và “nụ cười” tinh nghịch của nó.

Chúng được tìm thấy ở sông Dương Tử, Trung Quốc, nhưng đánh bắt quá mức và ô nhiễm có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng. Loài này từng cùng sống trên một dòng sông với cá heo Baiji, trước khi cá heo Baij bị tuyệt chủng vào năm 2006.

Hợp tác với các đối tác, WWF đã giúp kết nối hơn 40 hồ nước lũ đến sông Dương Tử nhằm bảo tồn loài cá quý.

Hoa Lan (Theo Livescience, WWF)

Nguồn: