Các công ty nhiên liệu hóa thạch và nhà máy điện than ở Mỹ nhiều khả năng được hưởng lợi từ kế hoạch của chính phủ liên bang với gói cứu trợ trái phiếu – một phần của gói giải cứu cho cuộc khủng hoảng Covid-19.
Theo một phân tích mới, ít nhất 90 công ty nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả những ông lớn như ExxonMobil, Chevron và Koch Industries sẽ thu lợi từ chương trình mua lại trái phiếu virus corona của Cục Dự trữ Liên bang. Ngoài ra, hơn 150 nhà máy, bao gồm các công ty sử dụng nhiều than như American Electric Power và Duke Energy cũng tham gia vào hoạt động này.
Kế hoạch mua lại trái phiếu dự kiến trị giá ít nhất 750 tỷ đô la và sẽ làm lợi cho hàng nghìn công ty vào cuối tháng 9, tuy nhiên, quy mô của khoản trợ cấp có thể rót vào nhiên liệu và các nhà máy năng lượng hóa thạch vẫn chưa được tiết lộ. Chương trình này sẽ được đưa ra thảo luận tại Thượng viện Mỹ vào ngày 19/5.
Jason Disterhoft, nhà vận động cấp cao thuộc Rainforest Action Network và là người thực hiện phân tích cho biết công quỹ nên được sử dụng để cứu trợ các công ty với những điều kiện nghiêm ngặt kèm theo.
“Mối quan tâm của chúng tôi là các quỹ phục hồi này nên ưu tiên cho người dân và các cộng đồng chứ không phải chảy vào các công ty lớn để họ trả nợ”.
Theo phân tích, 10/40 công ty hàng đầu khai thác dầu đá phiến sẽ đủ điều kiện được cứu trợ, chiểu theo các quy tắc chương trình được công bố. Hiện chưa rõ có công ty nào trong số này nộp đơn xin hỗ trợ hay không mặc dù nhiều công ty sẽ làm như vậy.
Giá dầu lao dốc đẩy các công ty dầu mỏ rơi vào hỗn loạn, trong khi tình trạng giảm sử dụng năng lượng vì khủng hoảng cũng có tác động đến các nhà máy điện than.
“Phục hồi là lựa chọn giữa việc thúc đẩy ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch mong manh và xây dựng nền kinh tế xanh kiên cường mà chúng ta cần. Danh sách những công ty đủ điều kiện tham gia các chương trình mua trái phiếu khổng lồ của FED (bao gồm các công ty dầu đá phiến đang gặp khó khăn, các công ty than và dầu khí) cho thấy những rủi ro tiềm ẩn”, Disterhoft nói.
“Trước tiên, các quỹ phục hồi phải đổ vào công nhân và lợi ích môi trường chứ không phải tiền thưởng hay cổ tức, và các công ty nên được yêu cầu ngừng mở rộng nhiên liệu hóa thạch cũng như loại bỏ hoạt động kinh doanh hóa thạch – nếu không, chúng ta chỉ đốt tiền công quỹ và tự đưa mình mắc kẹt vào sự cố khí hậu sắp xảy ra”.
Một nghiên cứu riêng mới được các nhà kinh tế và Đại học Oxford công bố phát hiện ra rằng dùng tiền công quỹ cho quá trình phục hồi kinh tế xanh sẽ tạo ra lợi nhuận cao hơn và nhiều việc làm trong cả ngắn hạn và dài hạn hơn là đổ cùng một khoản tiền vào nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch hiện tại.
Giới chuyên gia và các nhà vận động trên khắp thế giới kêu gọi các chính phủ tập trung hơn vào phục hồi tăng trưởng xanh như một cách để tạo ra việc làm, phục hồi nền kinh tế toàn cầu và ngăn phát thải nhà kính tăng cao hơn khi đại dịch giảm.
Để đủ điều kiện tham gia kế hoạch của Cục Dự trữ Liên bang, các công ty phải đạt xếp hạng tín dụng BBB-Baa3 hoặc cao hơn vào thời điểm 22/3. Kế hoạch này do tập đoàn BlackRock quản lý, đầu năm nay tập đoàn này cam kết thay đổi chiến lược đầu tư có tính đến khủng hoảng khí hậu.
Có những động thái thay đổi quy tắc để cho phép các công ty có xếp hạng tín dụng như vậy ở thời điểm sớm hơn – ngày 5/3 – được nộp đơn xin trợ giúp. Theo phân tích, điều này sẽ giúp công ty dầu khí Occidental Oil đủ điều kiện.
Thế Anh (Theo Guardian)