Từ nhiều tháng nay, tại khu vực miền Trung, đặc biệt là tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lăk…, hạn hán diễn ra khốc liệt, nguồn nước sinh hoạt của người dân thiếu hụt nghiêm trọng. Phòng chống hạn hán tại miền Trung cần có những giải pháp căn cơ, dài hơi…
Nhiều hồ, đập chẳng còn giọt nước nào
Tại Nghệ An, mực nước trên các hồ chứa xuống thấp, đặc biệt là tại hồ Bản Vẽ, đập Đô Lương, cống Nam Đàn, Bến Thủy, Khe dứa… Nhiều hồ mực nước thiết kế đã giảm còn 1 nửa. Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho biết, dự báo năm nay sẽ hạn hán đỉnh điểm, do hồ đập không tích đủ nước, thậm chí nhiều hồ chỉ đạt dung tích 40-50%.
Đắk Lắk đang có hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Cả trăm hồ, đập cạn kiệt, hàng loạt công trình cung cấp nước sinh hoạt ở tỉnh này đang vận hành trì trệ. Đến giữa tháng 5.2020, đã có hơn 2.000 hộ dân ở một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Theo Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, gần 160 hồ, đập ở tỉnh chẳng còn giọt nước nào. Hàng nghìn hécta hoa màu của bà con thiếu nước tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp một số vùng bị đình đốn.
Gần 6 tháng qua, tỉnh Bình Thuận hầu như không có mưa, nắng nóng kéo dài đã khiến gần 15.000ha đất sản xuất nông nghiệp buộc phải cắt giảm, trên 25.000 hộ dân với gần 93.000 khẩu bị thiếu nước sinh hoạt. Các hồ chứa nước thủy lợi quan trọng như: Sông Móng, Tà Mon, Đá Bạc,… đang dần trơ đáy, chỉ còn ít nước thấp hơn mực nước “chết”. Hạn hán khốc liệt đã khiến Bình Thuận phải công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn tỉnh từ ngày 7.5.2020.
Tại Khánh Hòa, tình trạng nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến nay khiến mực nước ở các sông và hồ chứa trên địa bàn tỉnh nhanh chóng xuống thấp. Hệ thống hồ chứa nước trong đó có chức năng cung cấp nước sinh hoạt được dự báo sẽ giảm xuống còn 30% và lượng dòng chảy trên các sông suối cũng thiếu hụt từ 40 – 60% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, hơn 30 hồ chứa nước chỉ còn tổng dung tích khoảng 96 triệu m3 (chiếm 39% dung tích toàn bộ). Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, trong các tháng tới, nếu không xuất hiện mưa trên địa bàn, toàn tỉnh sẽ có gần 26.000 hộ dân với hơn 100.000 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt.
Mới dừng ở biện pháp tình thế
Sở dĩ tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra cục bộ là do nhiều khu dân cư chưa có công trình cấp nước sinh hoạt hoặc nếu có thì cũng hoạt động kém hiệu quả, tạm dừng khai thác. Do nắng nóng kéo dài, nhiều giếng đào trong các thôn, buôn cạn nước, một số người dân dùng cả nước nhiễm phèn để nấu ăn. Người có điều kiện hơn thì mua nước đóng bình về dùng dần, tốn vài chục nghìn đồng mỗi ngày.
Thống kê của UBND tỉnh Đắk Lắk cho thấy, năm 2019 toàn tỉnh có 112 công trình được đầu tư hoàn chỉnh nhưng có đến 46 công trình không hoạt động (6 công trình hoạt động kém hiệu quả). Đơn cử, công trình cấp nước sinh hoạt Buôn Kuaih (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) có tổng mức đầu tư gần 3 tỉ đồng, do UBND huyện làm chủ đầu tư nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động đã tạm ngừng, bỏ hoang vì nhiều lý do khác nhau. Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt hoạt động không hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng hay ngưng hoạt động do có nhiều chủ đầu tư khác nhau. Có chủ đầu tư chưa có chuyên môn, dẫn đến nhiều bất cập ngay từ khi lập, phê duyệt dự án, thiết kế công trình. Đặc biệt, công tác quản lý, vận hành một số công trình chưa được đầu tư đúng mức so với số tiền bỏ ra xây dựng.
Ông Phạm Ngọc Bình – Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Đắk Lắk cho rằng, để các công trình cấp nước sinh hoạt ở địa phương hoạt động hiệu quả vẫn nên để chủ đầu tư xây dựng, đồng thời kiêm thêm việc tổ chức vận hành sau khi hoàn thành. Nếu không phải mời đơn vị vận hành cử người có trách nhiệm tham gia vào BQL dự án, trực tiếp giám sát đầu tư công trình. Bên cạnh đó, cần ưu tiên xây dựng các công trình quy mô liên thôn, liên xã hạn chế làm các công trình nhỏ lẻ, tránh xây xong hoạt động không hiệu quả, tốn kém tiền của. Đối với những nơi có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cần bổ sung thêm nước và mở rộng phạm vi cấp nước. Những khu vực dân cư phân bố nhỏ, lẻ, chính quyền cần đề xuất hỗ trợ làm những công trình cấp nước cho cả cụm dân và để họ tự quản lý, vận hành.
Ông Nguyễn Thành Long – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NNPTNT Đắk Lắk, cho biết: ‘’Một số địa phương hiện đang tăng cường quản lý nguồn nước và điều tiết các công trình thủy lợi hợp lý, tiết kiệm. Bên cạnh đó, họ cũng tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, tăng cường đắp đập tạm, tận dụng nguồn nước suối và khai thác nước ngầm để phục vụ chống hạn. Một số khu vực người thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng thì chính quyền xã tổ chức chở nước từ vùng khác đến, cấp miễn phí cho người dân để giải quyết khó khăn trước mắt’’.
Để giải quyết bài toán nước sạch cho người dân, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao các địa phương lên phương án, sẵn sàng thực hiện nhằm cấp nước sinh hoạt.
Tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong đó, khẩn trương triển khai các dự án, công trình để kịp thời cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân bị thiếu nước; theo dõi chặt chẽ tình hình điều tiết nước từ các hồ chứa để bổ sung nguồn nước phòng, chống hạn hán cho vùng hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh…