Đại ngàn vơi bóng dáng voi: Bi kịch bảo tồn

Nếu không có những biện pháp bảo tồn quyết liệt và hữu hiệu hơn, có lẽ trong thời gian không xa, hình ảnh đàn voi vốn thân thuộc với đồng bào Tây Nguyên sẽ chỉ còn trong tiềm thức.

Suy giảm nghiêm trọng

Những năm trước đây voi có vùng phân bố khá rộng từ Lai Châu dọc dãy Trường Sơn tới Bình Phước, Tây Ninh và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Thế nhưng hiện nay, Việt Nam chỉ còn khoảng 124 – 148 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước. Trong đó, chỉ có 3 sinh cảnh còn trên 10 cá thể voi là Vườn Quốc gia Pù Mát và vùng phụ cận (Nghệ An) còn 13 – 15 cá thể. Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên và Văn hóa Đồng Nai, Công ty Lâm nghiệp TNHHMTV La Ngà (Đồng Nai) còn 14 cá thể. Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) còn khoảng 80 – 100 cá thể.

Đắk Lắk hiện là tỉnh có số lượng voi hoang dã lớn nhất cả nước với 5 quần thể; trong đó, quần thể nhỏ nhất gồm 5 – 10 cá thể, quần thể lớn nhất có 32 – 36 cá thể, phân bố chủ yếu ở Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Voi Pắc Cú ở Trung tâm Du lịch sinh thái Buôn Đôn chết do bị sát hại năm 2017

Về voi nuôi (voi thuần dưỡng), theo thống kê năm 2018, cả nước có 91 voi nuôi tại 11 tỉnh thành, trong khi con số này của năm 2000 là 165. Như vậy, qua 18 năm, 74 con voi nuôi đã mất đi. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk – nơi được coi là “thủ phủ” của voi thuần dưỡng, số voi cũng giảm mạnh. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian 1979 – 1980, Đắk Lắk có 502 con voi thuần dưỡng; năm 1990, có 299 con; năm 1997, còn 169 con và năm 2000 chỉ còn 138 con, như vậy, đã giảm 364 con trong vòng 20 năm (1980 – 2000). Đến năm 2018, con số voi nuôi của Đắk Lắk, giảm gần 100 cá thể so với năm 2000, chỉ còn 45 con.

Cuộc chiến voi – người

Theo kết quả kiểm kê rừng của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong 7 năm (2008 – 2014), diện tích rừng tự nhiên tại Tây Nguyên mất hơn 358.700 ha, tương đương mỗi năm mất hơn 51.200 ha rừng.

Voi bị mất sinh cảnh, nguồn thức ăn và hành lang di chuyển làm nảy sinh những xung đột nghiêm trọng, thậm chí, nguy hiểm giữa voi và con người. Điển hình như năm 2013, đàn voi rừng khoảng 17 cá thể đã kéo về cách trung tâm huyện Ea Súp 5 km gây rối. Tại xã Ea HLê, huyện Ea Hleo, trước năm 2012, voi rừng thường xuyên về phá hoại hoa màu của người dân. Tuy vậy, thời gian gần đây, không còn thấy voi xuất hiện. Nguyên nhân là do khu vực này đã được Nhà nước giao cho các công ty lâm nghiệp. Các công ty này đã tiến hành khai hoang rừng làm nhiễu loạn sinh cảnh khiến voi bỏ đi nơi khác.

Voi rừng và voi nhà ở Việt Nam đều bị suy giảm nghiêm trọng

Trong khi voi rừng bị mất nơi sinh sống, với việc khai thác voi đã thuần dưỡng (còn gọi là voi nhà) để phục vụ du lịch hay cung cấp sức lao động cũng là một trong những mối đe doạ nghiêm trọng tới quần thể loài. Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, hơn nửa trong số 45 voi nhà voi nhà của tỉnh Đắk Lắk hiện vẫn còn ở độ tuổi từ 35 – 50 tuổi. Tuy vậy, tất cả voi đều chịu cảnh xiềng xích. Phần lớn trong số này thuộc các hộ cá thể, ngày ngày phải chở khách tham quan du lịch, hoặc vận chuyển hàng hóa nông sản. Con nào cũng chịu cảnh mất chót đuôi, ngà thường xuyên bị cưa ngắn để tránh nguy cơ bị trộm sát hại.

Ông Phạm Văn Láng – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk cho hay: “Nhu cầu về thức ăn trong ngày của một cá thể voi nhà rất lớn (khoảng 3 tạ cỏ và hàng trăm lít nước). Voi còn có thói quen ăn và uống nước lai rai liên tục từ 70% – 80% thời gian trong ngày. Khi về buôn làng, voi phải phục vụ cho nhu cầu du lịch của con người, khẩu phần ăn lại thấp, mắc bệnh nhưng không được chữa trị kịp thời. Bởi thế, voi nhà cứ ngày càng suy giảm”.

“Trong các khu vực có voi rừng sinh sống hiện nay, chỉ vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn ít bị con người tác động. Trong khi đó, hàng chục ngàn ha rừng ở khu vực phía Tây Bắc huyện Ea Súp, vốn là môi trường sống lý tưởng của voi rừng, lại bị tỉnh giao cho các doanh nghiệp để trồng cao su”.

PGS.TS Bảo Huy, Trưởng Nhóm nghiên cứu đề án Bảo tồn voi Đắk Lắk

 

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, do không được ăn uống đầy đủ, lại bị khai thác phục vụ du lịch quá sức, cộng với những mối hiểm họa từ thiên nhiên và con người, số lượng voi nhà ở tỉnh Đắk Lắk đang suy giảm nghiêm trọng. Từ năm 2012 đến nay, đã có 10 cá thể voi nhà bị chết với các nguyên nhân như già yếu, kiệt sức, bị sát hại, tai nạn và voi rừng tấn công.

“Giám sát chưa tốt nên sinh cảnh cho voi mới bị phá, tình trạng buôn bán ngà và các sản phẩm từ voi vẫn tràn lan như báo chí nêu mà không thấy ai chịu trách nhiệm. Cần gắn trách nhiệm người đứng đầu các địa phương có voi với việc để mất voi.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh – Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam