Campuchia lập kế hoạch cứu voi châu Á

Bộ Môi trường Campuchia hợp tác với FFI đưa ra kế hoạch hành động đầu tiên từ trước đến nay để cứu voi châu Á khỏi bờ vực tuyệt chủng.

Theo thông cáo chung của Bộ và FFI, tại Campuchia còn khoảng 400 đến 600 cá thể voi châu Á, phân bố chủ yếu ở vùng núi Cardamom phía tây nam Campuchia và vùng đồng bằng phía đông tỉnh Mondulkiri.

Ảnh: Wildlife Alliance

“Suy thoái sinh cảnh khiến quần thể voi bị phân mảnh, tác động tiêu cực đến khả năng tồn tại dài hạn của loài. Voi con cũng chịu áp lực từ đặt bẫy, ảnh hưởng đến sự phục hồi quần thể. Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2029 được đưa ra để giải quyết những lo ngại này”, thông cáo cho biết.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý và Bảo tồn thiên nhiên Meas Sophal cho biết kế hoạch hành động nhằm tăng cường quản lý voi châu Á với sự tham gia của tất cả các bên liên quan để quần thể voi được bảo vệ và có thể phục hồi, ít nhất là trong các khu bảo tồn và trong mạng lưới bảo tồn đa dạng sinh học – tương đương 7,2 triệu ha hoặc 40% diện tích Campuchia. Mục tiêu cao nhất là bảo vệ biểu tượng di sản văn hóa này cho các thế hệ tương lai.

Khun Diyon, giám đốc một tổ chức bảo tồn voi địa phương ở tỉnh Mondulkiri ủng hộ kế hoạch hành động của Bộ Môi trường và hy vọng kế hoạch này sẽ bảo vệ, bảo tồn được loài voi châu Á ở Campuchia.

“Thách thức hiện tại đối với voi là ngày càng nhiều người đã vào rừng, ảnh hưởng đến sinh cảnh của chúng đồng thời gây ra xung đột giữa người và voi. Mấy ngày trước, bốn cá thể voi ăn hoa màu và dân làng bắt giữ chúng. Chúng tôi giải cứu voi bằng cách bồi thường cho người dân. Tôi ủng hộ cơ chế lập kế hoạch bảo tồn của Bộ Môi trường và sẽ tham gia vào việc bảo tồn voi”.

Voi châu Á đang chịu áp lực nghiêm trọng trong chính phạm vi sinh sống và được phân loại nguy cấp trong Sách đỏ IUCN, có nghĩa là phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao trong tự nhiên.

Thế Anh (Theo Khmer Times)

Nguồn: