Sau khoảng 5 năm hoàn thành đề án di dời, xử lý các hộ nhà bè trên vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống, giờ đây, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh lại có dự thảo Quy hoạch Khu nuôi trồng thủy sản mới tại các điểm ngoài vùng lõi vịnh Hạ Long. Dự thảo Quy hoạch này được trình bày trước UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 12/5.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hạ Long, khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản mới tại các điểm ngoài ngoài vùng lõi vịnh Hạ Long có tổng diện tích 890 ha gồm 3 tiểu khu; trong đó khu 1 có diện tích 732 ha, khu 2 diện tích 55,8 ha, khu 3 diện tích 102,2 ha.
Vị trí quy hoạch phía Tây Bắc giáp Ghềnh Đá Đầu. Phía Bắc giáp Hòn Cối, Hòn Vú. Phía Đông Nam giáp Hòn Vụng Ba Cửa. Phía Đông giáp Hòn Vụng Dại, Hòn Trề Môi. Phía Nam giáp Hòn Trà Hương, Hòn Cát Dế Con.
Đây là khu vực nằm ngoài vùng lõi vịnh Hạ Long không gây ảnh hưởng đến việc bảo tồn di sản, ít bị ảnh hưởng bởi gió bão và phù hợp với Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, không ảnh hưởng đến luồng giao thông đường thủy.
Mục tiêu của quy hoạch này nhằm thiết lập ranh giới khu vực nuôi trồng thủy sản mới ngoài vùng lõi vịnh Hạ Long và giải quyết vấn đề lao động cho 49 hộ cá thể, doanh nghiệp hiện đã di dời khỏi vùng nuôi trồng thủy sản trong vùng lõi vịnh Hạ Long; đồng thời tạo việc làm cho ngư dân khu vực ven vịnh.
Tại cuộc họp, các sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh đề nghị thành phố Hạ Long cần tập trung nghiên cứu ở khu 1 có diện tích 732 ha và thu hẹp diện tích để đảm bảo hoạt động nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch bền vững ngoài vùng lõi vịnh Hạ Long.
Việc các hộ cá thể, doanh nghiệp di dời ra khu vực này nuôi trồng phải áp dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Thành phố cần quan trắc, đánh giá tác động môi trường vùng nuôi, đảm bảo phát triển bền vững và không ảnh hưởng đến luồng lạch giao thông…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu yêu cầu thành phố Hạ Long xem xét, điều chỉnh lại diện tích khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản mới đảm bảo hoạt động của luồng Ba Mom, phù hợp tầm nhìn đảo Tuần Châu và Khu phức hợp đô thị Hạ Long xanh ở xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên.
Đồng thời khu vực này phải đảm bảo gắn kết hoạt động nuôi trồng thủy sản với các hoạt động phát triển du lịch bền vững trên vịnh Hạ Long. Những hộ dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản khi di dời ra đây chỉ thực hiện sản xuất, tuyệt đối không có hoạt động sinh sống.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị thành phố Hạ Long cần xây dựng quy chế quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản trên vịnh và xác định rõ hình thức nuôi, đối tượng nuôi, vật liệu nuôi trồng tại Khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản mới tại các điểm ngoài vùng lõi Vịnh Hạ Long nhằm bảo vệ tuyệt đối Di sản vịnh Hạ Long.
Trước đó, từ năm 2012, thành phố Hạ Long đã lập Đề án di dời, xử lý nhà bè, làng chài trên vịnh Hạ Long, theo đó đến cuối năm 2015, thành phố đã hoàn tất việc đưa toàn bộ khoảng hơn 360 hộ nhà bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống.
Chính quyền thành phố Hạ Long đã xây dựng khu tái định cư làng chài vịnh Hạ Long tại phường Hà Phong với tổng mức đầu tư 167 tỷ đồng. Khu tái định cư được xây dựng trên diện tích khoảng 8ha, có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật gồm đường giao thông, vỉa hè, hệ thống thoát nước mặt, nước thải, cấp điện, cấp nước… hàng ngàn nhân khẩu sẽ có đủ điều kiện sinh sống ổn định tại các căn nhà tái định cư, mỗi căn có diện tích từ 77,5m2 đến 128m2.