Một nghiên cứu mới đây cho thấy mực nước biển dâng lên trong thế kỷ này sẽ nhiều hơn so với các dự báo trước đây.
Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học quốc tế tới từ Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore dẫn đầu dự đoán kịch bản này sẽ dẫn tới thảm họa cho rất nhiều quốc đảo và các khu dân cư miền duyên hải.
Trước khi đi tới kết luận này, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 106 chuyên gia về khí hậu trên khắp thế giới.
Họ đánh giá sự thay đổi của mực nước biển theo 2 kịch bản khác nhau.
Trong trường hợp nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa, mực nước biển sẽ tăng thêm 0,5 m vào năm 2100 và 0,5-2 m vào năm 2300.
Nếu Trái đất nóng hơn 4,5 độ C, mực nước biển sẽ tăng 0,6-1,3 m vào cuối thế kỷ này và 1,7-5,6 m vào năm 2300.
Dự báo này vượt xa các ước tính của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đưa ra.
Các chuyên gia gọi các dải băng ở Greenland và Nam Cực là biểu hiện cơ bản phản ảnh tình trạng biến đổi khí hậu và động lực khiến mực nước biển dâng cao do các quan sát từ vệ tinh cho thấy chúng đang tan chảy với tốc độ ngày càng tăng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý rằng mức độ và tác động của mực nước biển dâng có thể bị hạn chế nếu giảm phát thải thành công.
“Điều này mang đến nhiều hy vọng cho tương lai cũng như động lực mạnh mẽ để hành động ngay bây giờ nhằm tránh những tác động nghiêm trọng hơn của mực nước biển dâng cao”, Tiến sĩ Andra Garner tới từ Đại học Rowan ở Mỹ, đồng tác giả của nghiên cứu cho hay.