Thách thức kép ở Mê Kông

Hạn hán đi kèm với đại dịch virus corona dấy lên nỗi lo về an ninh lương thực.

Năm 2019, hạn hán nghiêm trọng do các đập thủy điện thượng nguồn chặn nước đã làm giảm năng suất nông nghiệp, tàn phá ngành thủy sản và đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân lưu vực sông Mê Kông. Đại dịch virus corona như “đổ dầu vào lửa” khi làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm tăng biến động giá gạo và các mặt hàng cơ bản khác. Trong khi chính phủ các nước Mê Kông đảm bảo nguồn cung lương thực cho dân thì những lo ngại đang gia tăng về khả năng chi trả và khả năng tiếp cận lương thực với những người dân dễ bị tổn thương nhất trong khu vực. Không nơi nào rủi ro về mất an ninh lương thực ngày càng rõ hơn ở Campuchia.

Người dân Campuchia ở một làng trên bờ sông Tonle Sap tại Phnom Penh phơi cá. Ảnh chụp năm 2019, năm Campuchia đối mặt với hạn hán dữ dội nhất trong lịch sử. (Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP/Getty)

Đối với nông dân và ngư dân trên khắp lưu vực sông Mê Kông, virus corona đến vào thời điểm không thể tệ hơn. Tháng 4/2019, khu vực bắt đầu chịu hạn hán nghiêm trọng kéo dài. El Niño dẫn đến tình trạng thiếu nước trên diện rộng khi mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 và là vụ lúa chính đã không đến. Các hồ chứa khắp khu vực cạn kiệt và mực nước hạ nguồn sông Mê Kông ở mức thấp lịch sử. Các con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn Mê Kông hạn chế nước chảy xuống hạ nguồn càng khiến tác động từ hạn hán tệ hơn.

Cộng đồng nông nghiệp hứng chịu hậu quả to lớn. Tháng 7, Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 12 tỉnh và yêu cầu nông dân trì hoãn trồng lúa để không sử dụng đến chút nước còn lại ít ỏi dành cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương. Mực nước ở các hồ chứa thấp trong suốt mùa mưa và đầu năm 2020, Bangkok phải triển khai quân đội để giảm nhẹ thiên tai hạn hán ở 43 tỉnh. Ước tính sơ bộ cho thấy sản lượng lúa trái vụ của Thái Lan sụt giảm 40-54%. Trong khi đó ở Lào, mực nước trên sông Mê Kông được ghi nhận ở Vientian thấp hơn mức bình thường gần 7 m. Do khô hạn, nông dân chỉ có thể trồng cấy trên khoảng 40% diện tích đất trồng trọt và chính phủ ước tính sản lượng sẽ thấp hơn 17.500 tấn so với năm 2018.

Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức tương tự nhưng ứng phó tốt hơn. Dòng chảy sông Mê Kông giảm, xâm nhập mặn vào sâu hơn ở ĐBSCL gây hại hơn 30.000 ha lúa. Chính phủ đã nhanh chóng hướng dẫn nông dân luân canh để tránh rủi ro cho vụ mùa chính, và do đó sản lượng năm 2020 dự kiến chỉ giảm khoảng 3%.

Campuchia chịu ảnh hưởng nặng nề từ hạn hán. Đến tháng 12/2019, khoảng 45.000 ha lúa đã bị thiệt hại và 16/25 tỉnh thiếu nước ngọt. Chính phủ khuyến nghị nông dân bỏ vụ lúa thứ hai để bảo tồn nước và nhiều tổ chức viện trợ chia sẻ các báo cáo về tình trạng nông dân chật vật dưới gánh nặng nợ nần của vụ mùa thất bại.

Là quốc gia đang phát triển, Campuchia phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp để duy trì sinh kế và cung cấp lương thực. Nông nghiệp chiếm hơn 30% dân số, đóng góp hơn 1/5 GDP quốc gia. Phần lớn đất canh tác để trồng lúa và nông dân thường xuyên vay vốn để trang trải chi phí vật tư cần thiết cho mùa vụ. Đối với nhiều người, năng suất cây trồng thấp hoặc mất trắng có nghĩa là tiêu tan tài chính.

Cùng lúc đó, sản lượng đánh bắt cá của Campuchia cũng sụt giảm thảm hại. Hệ thống sông Mê Kông là ngư trường nước ngọt lớn nhất thế giới, thường sản xuất hơn 2,6 triệu tấn cá mỗi năm, Campuchia chiếm 1/4 và phần lớn là từ hồ Tonle Sap. Mùa mưa năm 2018 kéo dài khiến sản lượng đánh bắt cao hơn bình thường, dù những thay đổi về dòng chảy từ đập thủy điện và biến đổi khí hậu cũng như nạn đánh bắt quá mức tạo thành hệ lụy sản lượng giảm mạnh trong những năm gần đây.

Năng suất tự nhiên của sông Mê Kông được những cơn mưa nuôi nấng: Dòng nước khiến nhánh sông nối liền hồ Tonle Sap với sông Mê Kông, mang cá con vào các khu rừng và vùng rốn lũ xung quanh. Khi mùa mưa kết thúc, dòng sông lại đổi dòng chảy, nước và cá lớn ngược vào dòng chính sông Mê Kông. Lũ càng lớn, đánh bắt cá càng bội thu. Xung lũ gần như không xảy ra năm 2019 do hạn hán và đập thượng nguồn khiến dòng chảy về thấp. Đầu tháng 10, ngư dân sống dọc theo hồ Tonle Sap chỉ đánh bắt được 60-70% mức trung bình.

Cũng như gạo, cá là nguồn thực phẩm chính cho Campuchia. Hơn 2 triệu người làm việc trong ngành thủy sản, chiếm từ 10-18% GDP và cung cấp khoảng 70% đạm động vật. Do đó, giảm mạnh sản lượng cá có thể dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực tăng vọt. Trong các cộng đồng dọc theo hồ Tonle Sap, đánh bắt giảm khiến lao động phải di cư đi nơi khác và đẩy các gia đình vào cảnh vay mượn để trang trải chi phí hàng ngày.

Chỉ số an ninh lương thực toàn cầu của Economist Intelligence Unit xếp Campuchia gần cuối bảng xếp hạng, thứ 90/113 quốc gia được đánh giá. Sự mất an toàn lương thực phẩm của Campuchia phản ánh mức độ phát triển kinh tế khiêm tốn cũng như tình trạng thiếu đa dạng trong chế độ ăn uống – phụ thuộc quá nhiều vào gạo và cá. Ngay cả trong một năm bình thường, 1/5 dân số cũng thiếu lương thực và tình trạng thiếu dinh dưỡng đang lan rộng.

Thường thì thị trường toàn cầu có thể cung cấp thay thế cho sản lượng lúa và cá mất đi trong một năm hạn hán, đại dịch virus corona khiến lương thực vừa thiếu vừa tăng giá do chuỗi cung ứng trong nước bị gián đoạn. Nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu như gạo và bột mì tăng do tình trạng mua sắm vì hoảng loạn.

Ở Campuchia, giá gạo tại Siem Reap tăng 33% chỉ từ tháng 3 đến tháng 4. Ngay cả ở Thái Lan, nước có một kho dự trữ gạo quốc gia lớn, giá cũng tăng hơn 25% kể từ đầu năm, đạt mức cao nhất trong 7 năm. Sau cá, thịt lợn là nguồn chất đạm được tiêu thụ rộng rãi nhất ở Campuchia. Nhưng dịch tả lợn châu Phi liên tiếp bùng phát ở Trung Quốc và Việt Nam đã hạn chế nguồn cung khắp khu vực trong năm ngoái, đẩy giá lên cao tại các thị trường bị ảnh hưởng và tại các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu như Campuchia.

Các kho dự trữ gạo ở Thái Lan và Việt Nam dường như thừa đáp ứng cho nhu cầu quốc gia nhưng sự bất định về mức độ virus corona sẽ tác động đến các nền kinh tế khu vực đã chuyển thành các lệnh cấm xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực nội địa. Tháng 3, Việt Nam nhanh chóng cấm xuất khẩu gạo, chỉ cho xuất khẩu đến giữa tháng Tư.

Các nhà phân tích dự đoán khối lượng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm khoảng 40%. Thái Lan dù hy vọng sẽ được hưởng lợi từ tăng xuất khẩu gạo, chính phủ vẫn yêu cầu khối tư nhân hỗ trợ để đảm bảo nguồn cung trong nước, và cấm xuất khẩu trứng sau các báo cáo về dự trữ nội địa.

Campuchia cũng thực hiện các biện pháp riêng như cấm xuất khẩu một số loại gạo vào ngày 30/3 và ngày 4/4 mở rộng lệnh cấm xuất khẩu sang cá. ASEAN nhóm họp vào đầu tháng 4 để thảo luận về các quy định duy trì thương mại mở với hàng nông sản nhưng không đạt được thỏa thuận thực chất.

Từ đánh giá riêng, Campuchia cần có nguồn dự trữ lương thực đầy đủ để đáp ứng nhu cầu quốc gia, tuy nhiên, triển vọng không mấy lạc quan cho các cộng đồng nông nghiệp và đánh cá dễ bị tổn thương. Tiếp cận và khả năng chi trả sẽ trở thành những vấn đề ngày càng quan trọng khi cuộc khủng hoảng tác động đến kinh tế. Nếu không được quản lý cẩn thận, các lệnh cấm xuất khẩu có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cục bộ nhưng cũng có thể làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến mất thu nhập cho nông dân và ngư dân.

Bình thường, cơ chế thị trường và các chuỗi cung ứng có giải pháp thay thế cho tình trạng thiếu hụt hoặc tăng giá ảnh hưởng đến hàng hóa chủ lực nhưng hiện giờ không phải là lúc bình thường. Người nghèo Campuchia có thể phải đối mặt với một hợp lưu chưa từng có về mất thu nhập, thiếu hụt nguồn cung, giá lương thực cao và gián đoạn chuỗi cung ứng. Chính phủ sẽ cần theo dõi cẩn thận tình trạng này trong thời gian tới và nên chuẩn bị các biện pháp can thiệp trong trường hợp những cộng đồng nông nghiệp và ngư dân không thể tự cung tự cấp.

Một khi cuộc khủng hoảng virus corona qua đi, Campuchia và các nước láng giềng vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức lâu dài là giữ được hệ thống sông Mê Kông bền vững và sôi động. Trong khi biến đổi khí hậu do con người tạo ra và các hiện tượng thời tiết tự nhiên như El Niño nằm ngoài sự kiểm soát của các nhà hoạch định chính sách thì các chính phủ khu vực Mê Kông có thể hành động ngay bây giờ để thực hiện các chính sách giảm thiểu tác động mạnh nhất trong tương lai. Điều này bao gồm việc đàm phán với Bắc Kinh chia sẻ dữ liệu quanh năm ở cấp độ cả dòng sông và vận hành các đập thượng nguồn, cũng như tìm kiếm giải pháp thay thế cho các đề xuất hiện tại xây mới đập thủy điện trên sông Mê Kông và các dòng nhánh ở Lào – nếu được xây dựng sẽ chỉ khiến sản lượng đánh bắt cá ngày càng ít hơn.

Đại dịch virus corona đưa ra thách thức an ninh lương thực ngắn hạn cho những người dễ bị tổn thương nhất Campuchia. Tuy nhiên, hạn hán sẽ là vấn đề tái diễn đối với khu vực đòi hỏi phải có phản ứng tập trung để đảm bảo các cuộc khủng hoảng nông nghiệp không trở thành “khách quen”.

Campuchia có nguồn cung lương thực phụ thuộc rất nhiều vào xung lũ tự nhiên, bảo tồn dòng chảy tự nhiên của sông Mekong đến hồ Tonle Sap phải là ưu tiên hàng đầu.

Thế Anh (Theo Foreign Policy)

Nguồn: